T2, 06/07/2020 11:28

Đảo “xác sống” Sulawesi

Chưa có đánh giá về bài viết

Phía nam đảo Sulawesi, Indonesia là nơi sinh sống của người Toraja. Đây là điểm hút khách thứ 2 ở Indonesia nhờ phong tục mai táng kỳ lạ và bí ẩn.

Bộ tộc Toraja tập trung phía nam đảo Sulawesi, cách Makassar 300 km về hướng bắc. Những cư dân nơi đây luôn đề cao lối sống tâm linh vì động vật, cây cối, vật vô tri vô giác hay ma quỷ đều có linh hồn. Người Toraja đã duy trì và phát triển nghi lễ ma chay công phu, kỳ lạ nhất thế giới – nghi lễ chôn cất trẻ sơ sinh và nghi lễ gọi xác ướp sống dậy sau hơn 1 thập kỷ ngủ yên trong lòng đất.

Khi một thành viên của bộ tộc Toraja chết đi, người thân trong gia đình sẽ phải tổ chức đại lễ an táng Rambu Soloq. Nghi lễ này không được tổ chức ngay sau cái chết thân nhân họ bởi chi phí tốn kém. Họ phải đợi hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm đến khi tiết kiệm đủ tiền làm lễ. Trong khoảng thời gian chờ đợi, tử thi không được chôn cất ngay mà được ướp xác và ở chung nhà với các thành viên còn lại của gia đình. Trước khi nghi lễ Rambu Soloq hoàn tất, các thành viên trong gia đình luôn tâm niệm người thân của họ vẫn chưa chết và đang nghỉ ngơi để dưỡng bệnh.

Nghi lễ Rambu Soloq bắt đầu bằng lễ tế trâu và lợn do đám thanh niên trong làng đâm chết trong lúc nhảy theo nhạc. Số lượng trâu và lợn sử dụng trong nghi lễ phụ thuộc vào nguồn lực tài chính và địa vị của người quá cố. Thông thường, gia đình người quá cố sẽ làm lễ tế khoảng chục con trâu và hàng trăm con lợn.

Người Toraja hiếm khi thổ táng mà giữ xác chết trong hang đá lớn trên núi hoặc quan tài gỗ treo trên vách đá dựng đứng. Thổ táng tốn kém hơn và phải mất vài tháng mới hoàn tất. Những hình điêu khắc bằng gỗ đặt trên vách đá hay trong hang nơi chứa xác chết được gọi là Tau tau, tượng trưng cho linh hồn người quá cố. Trẻ sơ sinh không được chôn cất trong hang hoặc treo trên vách đá mà được mai táng trong các hốc nhỏ trên thân cây trong rừng.

Đến tháng 8 hàng năm, dân làng tổ chức nghi lễ Ma’Nene vệ sinh và mặc quần áo mới cho xác ướp. Điều kỳ lạ nhất xảy ra sau đó – các xác ướp đi lại và tìm đường về nhà. Theo nhiều già làng Toraja, xác chết biết đi nhờ một loại thuốc kịch độc do các thầy phù thủ rắc lên tử thi. Nhưng không ai rõ chất độc đó là gì.

Hàng nghìn khách du lịch hiếu kỳ và nhiều nhà nhân loại học vẫn tìm đến hòn đảo để tận mắt chứng kiến xác sống ngoài đời thực. Theo thống kê của Bộ Du lịch Indonesia, từ năm 1984, Tana Toraja đã trở thành điểm đến hấp dẫn nhất Indonesia sau đảo Bali. Điều đó càng làm dân nơi đây thêm tự hào về phong tục truyền thống của tổ tiên và luôn cố gắng gìn giữ qua nhiều thế hệ.

 

 

>> Với người Toraja, nghi lễ mai táng người chết không chỉ là một sự kiện cộng đồng quan trọng mà còn là dịp để toàn bộ thành viên trong gia đình hội ngộ. Người dân trong làng cũng tham gia sự kiện để tăng tính gắn kết đồng thời củng cố, giữ vững niềm tin tín ngưỡng, truyền thống tổ tiên đã duy trì qua nhiều thế hệ.

Đan Linh

Dailymail

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!