(TSVN) – Cua xanh là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thịt ngon, nhu cầu thị trường lớn và được nuôi phổ biến ở nước ta. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống cua xanh, giúp chủ động được một phần giống tại chỗ có chất lượng, đáp ứng kịp mùa vụ, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cua xanh thuộc lớp giáp xác, bộ mười chân (Decapoda), là đối tượng hải sản quý, có giá trị thương mại cao và là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của nhiều nước. Cua xanh dễ nuôi, ít dịch bệnh, lớn nhanh, thịt thơm ngon với giá trị dinh dưỡng cao, có giá trị thương mại lớn và quá trình nuôi có thể tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên như tôm tép, cá tạp. Việt Nam có nguồn lợi cua xanh khá phong phú, phân bố ở khắp các vùng biển, ao đầm, cửa sông, vùng vịnh. Ở vùng biển Việt Nam cua xanh có kích thước lớn, có giá trị kinh tế cao. Thịt cua xanh là thức ăn cao cấp, rất được ưa chuộng ở Việt Nam và các nước trên thế giới do hàm lượng protein cao (26,8%), lượng mỡ thấp (1,4%) và rất giàu khoáng vi lượng (đặc biệt là calcium).
Nghề nuôi cua xanh ở Việt Nam đã có từ rất lâu ở một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… Song trước đây, hầu hết diện tích nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống, năng suất thấp (khoảng 137 kg/ha), cua giống thả nuôi hoàn toàn dựa vào khai thác tự nhiên nên còn nhiều hạn chế, không chủ động được số lượng và chất lượng cua giống. Xuất phát từ nhu cầu thực tế về cua giống phục vụ sản xuất trong giai đoạn 1998 – 2003, thông qua chương trình KC.06, Nhà nước đã đầu tư kinh phí để nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cua xanh và thực hiện dự án sản xuất thử cua giống nhân tạo, nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cua giống (Nguyễn Cơ Thạch, 2007).
Việc chủ động sản xuất được cua giống nhân tạo là sự bứt phá về công nghệ nuôi cua xanh xuất khẩu ở Việt Nam. Nhờ vậy mà từ năm 2006, nước ta đã có khoảng 100 trại sản xuất cua giống, phân bố trên diện rộng từ Kiên Giang, Cà Mau đến Hải Phòng, Thái Bình… Thời điểm đó, hàng năm Việt Nam có thể sản xuất khoảng trên 100 triệu con cua xanh giống.
Từ khi có con giống nhân tạo, nghề nuôi cua xanh phát triển ở nhiều hình thức như: Nuôi cua ghép với tôm sú, nuôi trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, nuôi chuyên cua… và được nhân rộng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, số lượng cua giống cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, người dân ở nhiều địa phương phải mua con giống từ các nơi khác. Điển hình như tại TP Hải Phòng hiện mới chỉ có khoảng 10 trại giống tham gia sản xuất cua giống, mỗi năm chỉ sản xuất được từ 15 – 20 triệu con/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thả nuôi của người dân, còn lại phải nhập từ nơi khác. Do cua giống vận chuyển xa, chất lượng chưa đảm bảo, giá thành cao. Ngoài ra, công nghệ sản xuất cua giống tại Hải Phòng chủ yếu phát triển tự phát, chuyển đổi từ sản xuất tôm giống sang sản xuất cua giống, công nghệ sản xuất giống cua chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, tự học hỏi cho nên chất lượng chưa cao, giá thành sản xuất lớn.
Để hạn chế những điểm yếu này, nhiều nghiên cứu, mô hình đã được triển khai và có bước thành công ban đầu, trong đó đáng lưu ý là mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cua xanh do Viện Nghiên cứu NTTS III chủ trì, được triển khai bởi Công ty TNHH Phát triển thủy sản Hoàng Hương (phường Tân Thành, quận Dương Kinh). Ở quy trình này, các nhà khoa học đã có một số cải tiến về kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống. Trong đó, có sử dụng thức ăn công nghiệp giai đoạn đầu sản xuất con giống, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường, không dùng kháng sinh để cua giống khỏe mạnh. “Sau khi đón nhận công nghệ, chúng tôi đã sản xuất được hơn 20 triệu con giống với năng suất nuôi đạt trên 3 tấn/ha. Lứa vừa rồi chúng tôi thu được hơn 30 tấn cua và tiêu thụ đi các địa phương”, ông Lương Thái Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thủy sản Hoàng Hương chia sẻ.
Còn tại Hà Tĩnh, để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đảm bảo cho họ có nghề sản xuất bền vững, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh do KS Trần Thị Thu Trang làm chủ nhiệm đã thực hiện Dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình ương nuôi cua xanh tại Hà Tĩnh”, nhằm chủ động nguồn cung cấp giống và kỹ thuật nuôi tại chỗ. Kết quả mô hình sản xuất giống cua: Đã sản xuất được 4 triệu con giống phục vụ nuôi thương phẩm; tỷ lệ cua mẹ nuôi vỗ thành thục đạt 76%; tỷ lệ đẻ đạt 86,84%; tỷ lệ nở đạt 78,91%; tỷ lệ sống từ ấu trùng lên cua bột đạt 7,81%; tỷ lệ sống từ cua bột lên cua giống đạt 67,97%. Thời gian ương 25 – 30 ngày. Cua giống đạt kích cỡ 2,2 cm.
Diệu Châu