Hiện nay, hệ thống thủy lợi nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL vẫn dựa trên hệ thống thủy lợi xây dựng cho sản xuất lúa trước đây, không cung cấp đủ nước phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Hằng năm vẫn xảy ra tranh chấp nước mặn – ngọt giữa nuôi tôm và trồng lúa, thậm chí thiếu nước mặn cho nuôi tôm; vùng nuôi thủy sản nước ngọt thì thiếu nước sạch. Trong khi đó, nguồn nước ảnh hưởng lớn tới quy mô phát triển NTTS. Vì thế các nhà quản lý và khoa học đều thống nhất, cần đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn khẳng định, NTTS luôn bị dịch bệnh bùng phát diện rộng, “nguyên nhân chính là hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS chưa thật hợp lý”.
Các tỉnh ĐBSCL cũng đã dành ngân sách khá lớn đầu tư cho thủy lợi, như Cà Mau hằng năm khoảng 100 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ; song còn thấp so với nhu cầu cải tạo những công trình thủy lợi hiện có, chưa nói xây dựng công trình mới. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho hay, 8 tỉnh NTTS lớn ở ĐBSCL đã có quy hoạch thủy lợi phục vụ NTTS từ nhiều năm trước, nhưng các quy hoạch đang phải chờ vốn.
Tương lai, vốn cho đầu tư thủy lợi NTTS vẫn nhiều khó khăn. Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam tính toán, tổng nhu cầu vốn theo quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi khu vực ĐBSCL khoảng 20.000 tỷ đồng nhưng từ nay đến năm 2020 chỉ có khoảng 7.000 tỷ. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản chọn 5 dự án cho ĐBSCL, cũng đang thiếu vốn triển khai. Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi cho biết: “Tỷ trọng đầu tư thủy lợi thủy sản còn rất nhỏ trong đầu tư thủy lợi và vài năm tới tỷ trọng này chưa thể thay đổi mạnh, do thiếu vốn”.
Từ cơ sở, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cái Nước (một huyện trọng điểm nuôi tôm của tỉnh Cà Mau), đề xuất: Phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư thì mới giải quyết được. Cùng quan điểm, lãnh đạo Minh Phu Seafood Corp, một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm hàng đầu cả nước, bày tỏ nỗi bức xúc: “Kiến nghị đầu tư thủy lợi thủy sản đã được chúng tôi đưa ra cả chục năm nay mà không thấy triển khai. Nhà nước hãy cho doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư thủy lợi riêng cho thủy sản, sau đó Nhà nước hoàn vốn cho doanh nghiệp hoặc trừ dần bằng cách khấu trừ thuế hoặc ưu đãi về đất đai, tài chính”.
Rõ ràng, nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước thì không biết bao giờ mới xây dựng được hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu NTTS ở ĐBSCL. Chính sách mở đường cho doanh nghiệp đầu tư đang là đòi hỏi của cuộc sống.
Lãnh đạo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn kiến nghị cụ thể: “Đầu tư thủy lợi thủy sản không thể chỉ trông vào nguồn vốn nhà nước, mà phải có chính sách thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp. Muốn vậy, Nhà nước phải tiếp tục đổi mới hàng loạt chính sách về đất đai, thương mại, tín dụng… để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”.