“Đẩy mạnh tuyên truyền, hợp tác quốc tế KHCN biển”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (TCB&HĐ). Tổng cục trưởng TCB&HĐ – Nguyễn Văn Cư (ảnh) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trò chuyện đầu Xuân với phóng viên Thủy sản Việt Nam.

Ông có thể cho biết những khó khăn mà TCB&HĐ đã gặp từ ngày thành lập?

Ngày 27/08/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 116/TTG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TCB&HĐ VN, trực thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TN-MT quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo, thực hiện các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Sau hơn 2 năm hoạt động, TCB&HĐVN vẫn còn gặp khó khăn trong công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Chúng ta có rất nhiều luật chuyên ngành (như luật hàng hải, luật dầu khí…) song luật biển vẫn đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp thống nhất còn thiếu, các văn bản quy định về kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cũng thiếu vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

 


Trường Sa, biển đảo quê hương              Ảnh: Huy Hùng

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý biển và hải đảo ở nhiều địa phương còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ quản lý. Một số địa phương chưa có phòng biển riêng hoặc vẫn còn ghép chung với các phòng chuyên môn khác.

Mới đây, Bộ TN&MT và Bộ Nội vụ đã ký ban hành thông tư liên tịch số 26/2010/TTLT-BTNMT-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Chi cục biển và hải đảo trực thuộc Sở TNMT. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường một bước cho cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo ở 28 tỉnh, thành phố ven biển.

 

Vậy, Tổng cục đã và đang làm gì để tháo gỡ những khó khăn ấy?

Để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, Tổng cục đang từng bước rà soát, hệ thống hóa, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý. Tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận KHCN hiện đại phục vụ cho công tác quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.

 

Festival Biển và Hải đảo Việt Nam 2010 tại Quảng Bình

Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của dân tộc Việt Nam được đẩy mạnh trong thời gian qua, như tổ chức các tuần lễ, Festival Biển và Hải đảo… Ông có thể nhận định chung về kết quả thu được từ những hoạt động này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển và khẳng định chủ quyền biển đảo?

Trong những năm qua, cơ quan tuyên giáo các cấp, các bộ, ngành, các đoàn thể đã tập trung chỉ đạo các cơ quan tham mưu, các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực triển khai công tác tuyên truyền về biển, đảo. Từ đó đã góp phần làm cho nhận thức của các cơ quan, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển trong tiến trình lịch sử của dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng, của việc đẩy mạnh thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định 373/2010/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 đã được Tổng cục triển khai và thực hiện ra sao?

Tại Công văn số 2706/BTNMT-KH ngày 22/7/2010 của Bộ TN&MT, TCB&HĐ VN được giao chủ trì thực hiện sáu nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam” (Đề án 373).

TCB&HĐ VN đã khẩn trương xây dựng các dự án nêu trên và hoàn thành việc thẩm định ở cấp Tổng cục. Đây là những dự án, nhiệm vụ chuyên môn có tính chất đặc thù và quy mô lớn. Ví dụ, dự án “Lập và thực hiện Dự án sản xuất phim tài liệu khoa học "Biển đảo Việt Nam – Tiềm năng, lịch sử và tương lai của chúng ta”, hiện Tổng cục đang trình Bộ trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định cấp Bộ để tranh thủ ý kiến của các bộ, ngành có liên quan trước khi phê duyệt nhằm đảm bảo chất lượng dự án.

 

Vậy, phương hướng, nhiệm vụ của Tổng cục trong năm 2011 như thế nào, thưa ông?

TCB&HĐVN đã xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2011 là: Tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là luật bảo vệ tài nguyên môi trường biển; chú trọng công tác kế hoạch- tài chính, thực hiện tốt các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN do Chính phủ giao; củng cố công tác tổ chức cán bộ và đẩy mạnh tuyên truyền, hợp tác quốc tế về KHCN biển. Để thực hiện các nhiệm vụ này, Tổng cục một mặt tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, phối hợp tốt với các vụ chức năng của Bộ T&MT, mặt khác, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc tổ chức, triển khai nhiệm vụ năm 2011.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1-8/6 hàng năm) đã góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương. Từ đó, khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, lòng tự hào, ý thức dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, đối với chính cuộc sống của cộng đồng và đối với sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV khoá X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Hà Ngọc

                (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!