(TSVN) – Tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2021 khu vực phía Bắc do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, đẩy mạnh xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2020, tổng diện tích NTTS bị thiệt hại là 46.217 ha, gấp 1,9 lần so cùng kỳ năm 2019 (tổng diện tích bị thiệt hại là 24.297 ha); ngoài ra có khoảng 10.274 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Cụ thể, thiệt hại trên tôm nuôi nước lợ là gần 43.340 ha, chiếm 93,77% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,94 lần so cùng kỳ năm 2019 và chiếm 5,88% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Trong đó, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh là 6.858,14 ha, chiếm 15,82% trong tổng diện tích tôm bị thiệt hại và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích tôm bị dịch bệnh chiếm 0,93% tổng diện tích tôm thả nuôi. Tổng diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại là 1.426,3 ha (gấp 5,76 lần cùng kỳ năm 2019), chiếm 25% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước. Thiệt hại trên các loài thủy sản khác khoảng 1.452 ha.
Trong 3 tháng đầu năm 2021 (tính đến ngày 15/3/2021), tổng diện tích NTTS bị thiệt hại là hơn 1.897 ha, giảm 61% so cùng kỳ năm 2020. Ước tính tổng thiệt hại đối với NTTS (dịch bệnh, thiên tai) trung bình mỗi năm khoảng 3.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Đối với tôm nuôi, dự báo diện tích nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới rất cao. Nguyên nhân do người dân thả nuôi tôm tăng trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết như: giao mùa, hạn hán, bão và lũ lụt tại một số tỉnh, xâm nhập mặn… tiếp tục diễn biến phức tạp. Đồng thời, các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, có thể xâm nhập và gây bệnh cho tôm. Bên cạnh đó, các yếu tố bất lợi về nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường tăng nhanh, mạnh, theo hướng cực đoan có thể tác động xấu làm tôm chậm lớn, sức đề kháng yếu, mặt khác, điều kiện môi trường biến đổi tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm.
Trước nguy cơ cao dịch bệnh trên tôm, Cục Thú y khuyến cáo người nuôi cần tích cực triển khai các giải pháp như: quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết và chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi và sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, cần bảo đảm chất lượng, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản không chỉ đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành mà còn tác động đến giá trị xuất khẩu và ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành nông nghiệp nói chung. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho thấy, 3 tháng đầu năm 2021, nhiều lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bị phát hiện vi phạm chỉ tiêu về dịch bệnh khi phát hiện dương tính với bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV) và bệnh đốm trắng do virus (WWSV). Có đến 15/40 lô vi phạm bị trả về, trong khi cả năm 2020 số lượng lô vi phạm bị trả về là 6/14 lô.
Theo Thứ trưởng Tiến, để hạn chế những lô hàng thủy sản bị trả về, việc cần làm ngay là giám sát tốt an toàn dịch bệnh để đáp ứng các yêu cầu thị trường. Các địa phương, doanh nghiệp cần xây dựng vùng, chuỗi cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đáp ứng các yêu cầu giám sát an toàn thực phẩm của các thị trường. Tuy nhiên, hiện công tác này gặp một số khó khăn như thiếu nguồn lực, trang thiết bị… Trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung hỗ trợ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp lớn. Từ các doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ tạo ra sức lan tỏa ra các vùng, hộ nuôi để họ thấy được hiệu quả, giá trị mang lại trong việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và làm theo.
Hiện, Cục Thú y mới đánh giá cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh 5 cơ sở. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã đánh giá và cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 6 cơ sở sản xuất tôm giống. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã đánh giá và công nhận an toàn dịch bệnh cho Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam – chi nhánh Quảng Bình. Ngoài ra, một số Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương đang phối hợp các doanh nghiệp để đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chủ động theo quy định.
Còn theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, tại các cơ sở giống thủy sản cần phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, để tránh con giống được đưa đi và dịch bệnh lây lan khắp nơi. Tuy nhiên, việc xây dựng được cơ sở giống an toàn dịch bệnh không phải là điều dễ dàng do cần đầu tư nhiều công sức. Hiện nay, mới có số lượng ít cơ sở triển khai được nhiệm vụ này. Trong thời gian tới, Cục Thú y sẽ phối hợp với các địa phương để hướng tới cơ sở sản xuất giống đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ngoài ra, ngành thủy sản sẽ tổ chức giám sát một số tác nhân gây bệnh trên tôm để làm cơ sở công bố quốc gia an toàn dịch bệnh theo Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, tổ chức giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản theo quy định của Bộ NN&PTNT, quy định của OIE và yêu cầu của thị trường các nước để đẩy mạnh xuất khẩu.