T2, 06/07/2020 09:49

ĐBSCL: Phát triển nuôi thủy sản cần đi đôi với bảo vệ môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nhiều năm qua, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản đã trở thành thế mạnh kinh tế đặc biệt ở khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, sự phát triển nuôi trồng thủy sản mạnh mẽ lại kéo theo các tác động môi trường diễn ra ở quy mô ngày càng lớn và hết sức đa dạng. Bảo vệ môi trường để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở ĐBSCL đang trở thành đòi hỏi cấp thiết.

Những tác động về môi trường

Môi trường đất, nước và các hệ sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. ĐBSCL là vùng tập trung nhiều các loại đất phèn tiềm tàng (pyrite FeS2) và phèn hoạt động (jarosite K/Na.Fe3/Al3(SO4)2(OH)6). Khi bị đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kênh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng.

Các nguồn thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển, đặc biệt là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, nitơ, phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép), có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+, và chỉ số vi sinh Coliforms, đã cho thấy nguồn nước thải này cần phải được xử lý triệt để trước khi thải ra sông rạch.

Chất thải trong ao nuôi tôm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường

 Môi trường nước ở vùng ngọt hóa có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, các vi sinh trong nước Coliforms, độ đục, amoniac trong nước… ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước, đặc biệt là nước dùng cho nhu cầu cấp nước. Môi trường nước ở vùng mặn hóa ven biển hàm lượng sắt (phèn hóa) trong nước do quá trình phèn hóa mạnh mẽ, N-NH3, Coliforms… gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, đặc biệt độ đục môi trường cao do nước phù sa và quá trình đào đắp sên vét ao nuôi tôm phát sinh không được xử lý thải ra môi trường.

Quá trình chuyển dịch trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản diễn ra quy mô lớn ở vùng mặn hóa ven biển làm gia tăng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Tác động làm suy giảm rừng ngập mặn ven biển tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn. Nuôi cá bè trên sông rạch, nuôi thâm canh thủy sản vùng ngọt hóa đã gây nên các tác động đến chất lượng môi trường nước ở đây.

Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của các loài thủy sản tôm cá, các nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn Fe2+, Fe3+, Al3+, SO42, các thành phần chứa H2S, NH3… là sản phẩm của quá trình phân hủy yếm khí ngập nước tạo thành, nguồn bùn phù sa lắng đọng trong các ao nuôi trồng thủy sản thải ra hàng năm trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi. Đặc biệt, với các mô hình nuôi kỹ thuật cao, mật độ nuôi lớn như nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp… thì nguồn thải càng lớn và tác động gây ô nhiễm môi trường càng cao.

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ có 17% trọng lượng khô của thức ăn cung cấp cho ao nuôi được chuyển thành sinh khối, phần còn lại được thải ra môi trường dưới dạng phân và chất hữu cơ dư thừa thối rữa vào môi trường. Đối với các ao nuôi công nghiệp, chất thải trong ao có thể chứa đến trên 45% nitrogen và 22% là các chất hữu cơ khác. Các loại chất thải chứa nitơ và phốtpho ở hàm lượng cao gây nên hiện tượng phú dưỡng môi trường nước, phát sinh tảo độc trong môi trường nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nguồn chất thải này lan truyền rất nhanh đối với hệ thống nuôi cá bè trên sông, nuôi cá trong các đầm trũng ngập nước… cùng với lượng phù sa lan truyền có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh trong môi trường nước.

Đối với nuôi cá nước ngọt, lượng thải nhiều ít còn phụ thuộc vào thức ăn đưa vào chăn nuôi, thông thường chi phí thức ăn phải từ 1,5-2 kg thức ăn/1kg sản phẩm, ngoài ra còn lượng thức ăn dư thừa không tiêu thụ hết lắng xuống tạo ra nguồn thải rất dễ phân hủy hữu cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Các ao nuôi sau quá trình thu hoạch sản xuất thường phải nạo vét bùn cặn. Đây là một nguồn thải rất lớn có thể gây ô nhiễm môi trường.

Đối với nuôi tôm vùng ven biển Nam bộ, nơi có hàm lượng phù sa trong nước biển lấy vào nuôi rất lớn từ 200-888mg/l, lượng chất rắn này lắng xuống ao nuôi tôm tạo thành lớp bùn hàng năm rất dày. Vấn đề quản lý bùn thải nuôi tôm sức bức xúc, cần phải được xử lý triệt để ở khu vực nuôi trồng thủy sản nước mặn vùng ĐBSCL.

 

Giải pháp

Môi trường nước sạch và vệ sinh chưa đảm bảo, chế độ vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế… đã tác động đến trực tiếp sức khỏe của người dân vùng ĐBSCL.

Để giải quyết tình trạng này, trước tiềm năng về nuôi trồng thủy sản mang lại, ĐBSCL cần có các đầu vào tương ứng, trong đó đặc biệt là đầu tư nguồn cấp và thoát nước. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống thủy lợi riêng biệt để phục vụ nuôi trồng thủy sản trong khi đã có một hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp tương đối phát triển là việc làm không thích hợp và rất lãng phí.

Thời gian qua, chúng ta đã lạm dụng và khai thác quá mức nguồn tài nguyên sẵn có. Do vậy, hiệu quả kinh tế có chiều hướng giảm dần do rủi ro tăng cao. Phải thiết kế tính toán thuỷ lợi thế nào để hạn chế làm ô nhiễm, hạn chế xảy ra dịch bệnh. Mặt khác, trong thực tế chưa có tiền lệ, chưa có mô hình mẫu về đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản với qui mô rất lớn với 2 đối tượng chính là nuôi cá tra và tôm sú như ở ĐBSCL, do đó cần có sự phối hợp giữa các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau xây dựng một số mô hình thực nghiệm qui mô từ nhỏ đến lớn.

Trước tốc độ chuyển dịch kinh tế thủy sản như hiện nay, đòi hỏi cấp bách việc qui hoạch thuỷ lợi phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất đa mục tiêu. Trong đó, nổi lên vấn đề qui hoạch thuỷ lợi như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản vừa phù hợp với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt, không ảnh hưởng đến môi trường nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng. Vấn đề khó nhất đặt ra là việc tính toán như thế nào để tận dụng và khai thác có hiệu quả, tránh lãng phí đối với những công trình thủy lợi trái với đặc điểm sinh thái trong vùng.

 

Vựa thủy sản ĐBSCL

Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2000 là 445.300 ha với tổng sản lượng nuôi trồng là 365.141 tấn; năm 2002 là 570.300 ha, sản lượng 518.743 tấn; năm 2004 là 658.500 ha, sản lượng 773.294 tấn; năm 2005 là 685.800ha với sản lượng khoảng 983.384 tấn. Quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến năm 2010 ở khu vực ĐBSCL đối với nuôi thủy sản nước mặn – lợ là 649.430 ha, nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 366.590 ha.

 

TRÍ QUANG

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!