(Thủy sản Việt Nam) – Ngoài hai đối tượng nuôi chính là tôm biển và cá tra, 10 năm trở lại đây, nhiều loài cá ngon vùng sông nước miền Tây được các viện, trường, trung tâm giống thủy sản các tỉnh thành trong khu vực nghiên cứu thành công trong khâu sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Kết quả khả quan
Đáng chú ý nhất là cá hô, loài “kình ngư” vừa cho chất lượng thịt ngon, vừa có giá trị kinh tế cao đã và đang được Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (TTQGGTSNNNB) nghiên cứu và đang tiến tới hoàn thiện qui trình sản xuất con giống và nuôi thương phẩm.
Hiện nay, Trung tâm có khả năng sản xuất, cung ứng khoảng 100.000 con giống cá hô mỗi năm, nuôi thương phẩm tại hộ dân trong thời gian qua cho thấy, cá hô đạt trọng lượng 3 – 4 kg/con trong 2 năm đầu, những năm kế tiếp, cá phát triển với tốc độ nhanh hơn. Ngoài cá hô, loài đặc sản có chất lượng thịt ngon, được xem là “nữ hoàng” trong họ hàng nhà cá da trơn đó là cá bông lau cũng đang được TTQGGTSNNNB thuần dưỡng và sinh sản nhân tạo thành công từ 4 năm nay.
Chăm sóc cá hô bố mẹ tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ
Dự kiến năm 2012, TTQGGTSNNNB sẽ cung ứng khoảng 50.000 con giống cá bông lau cho hộ nuôi thương phẩm. Ngoài ra, các loài thủy sản bản địa được xem là “đặc sản của đặc sản”, như cá kết, chạch lấu, cá leo (phân bố chủ yếu ở vùng nước ngọt) cá đối, cá nâu, cá ngát (phân bố chủ yếu ở vùng nước ngọt đến nước lợ mặn ven biển) cũng đang được Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ phối hợp với một số trung tâm giống thủy sản nghiên cứu sinh sản thành công từ nhiều năm qua.
Kết quả trong quá trình nghiên cứu, sinh sản bằng phương pháp nhân tạo cho thấy: các loài cá trên có sức sinh sản khá lớn, tỷ lệ nở đạt 80 – 90%, cá có tỷ lệ sống từ 50 – 70% sau 30 ngày ương. Các loại cá chẽm, cá bóp và lươn đồng cũng đang được hoàn thiện qui trình sản xuất con giống và nuôi thương phẩm cho kết quả khả quan. Đây là những loài thủy sản bản địa được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển ở ĐBSCL để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Sớm chuyển giao đến người nuôi
Mới đây, Bộ môn Thủy sản của Đại học An Giang đang phối hợp với một hộ nuôi ở tỉnh này thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng hoàn chỉnh qui trình sản xuất nhân tạo cá tra nghệ”, loài cá da trơn nước ngọt có chất lượng thịt ngọt ngon. Hiện loài cá này cũng đang được nuôi thử nghiệm ở vùng duyên hải cho kết quả khả quan trong nuôi thương phẩm.
Bên cạnh đó, các viện, trường và trung tâm sản xuất giống thủy sản các tỉnh thành ở miền Tây đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện qui trình, đặc biệt là qui trình sản xuất con giống nhân tạo để giúp hộ nuôi chủ động con giống trong quá trình nuôi thương phẩm. Với những nỗ lực đó, hy vọng không lâu nữa, nhiều loài thủy sản bản địa thuộc hàng đặc sản sẽ được sản xuất đại trà cung ứng con giống rộng rãi cho việc nuôi thương phẩm.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi và sản xuất giống, qui trình sản xuất con giống nhân tạo và nuôi thương phẩm các loài cá ngon đặc sản này cần được nhanh chóng chuyển giao đến hộ nuôi, tiến đến xã hội hóa công tác sản xuất giống như đã từng thành công ở con cá tra vào năm 1999, giúp các loài thủy sản bản địa ở miền Tây tiếp tục có cơ hội đến với bàn ăn của nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phạm Anh Tuấn