Cá giống có nhu cầu tiêu thụ quanh năm. Nhưng ở ĐBSCL, bắt đầu mùa nước, do tính thời vụ, nhu cầu này càng cao.
Ông Lê Thái Nguyên, chủ trại cá giống xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) nói: “Lúc này đang vụ nuôi và thời gian kết thúc vụ (tháng 8, tháng 9) nên thị trường cá lóc giống càng sôi động hơn. Nếu nuôi trễ thì không tận dụng được cá bổi (cá vụn, cá nhỏ đẻ làm mồi, thức ăn cho cá) vào mùa nước và cũng không có cá thương phẩm bán vào mùa khô sang năm”.
Thị trường cá lóc con có 2 giống đang thịnh hành: cá lóc đầu vuông (đầu bằng) và đầu nhiếm (đầu nhọn). Mùa này, nhiều hộ kinh doanh có ao nuôi thường thả đến 30 – 50 ngàn con; những hộ nuôi nhỏ, lẻ cũng vài ngàn con. Hiện giá cá lóc giống lòng (kích cỡ đo ở phần thân cá) 8 đến lòng 10 (loại 8 – 10mm, tương đương thân bằng chiếc đũa ăn) có giá 350 – 450 đồng/con giống. Mùa này, một ngày cơ sở của anh Nguyên bán không dưới 4.000 – 5.000 con giống.
Cá lóc giống loại 8-10mm, giá 350-450 đồng/con
Ông Nguyên cho hay: Thị trường cá giống năm nay ổn định. Các cơ sở Cần Thơ không ương cá giống mà nhận từ nguồn cá ở vùng Châu Đốc, Chợ Mới… (An Giang) hoặc Đồng Tháp. Những nơi đó, họ có điều kiện và đã quen cho cá đẻ nhân tạo. Ở Cần Thơ, ít cơ sở nhận cá bột về nuôi, bởi cá nhỏ dễ hao hụt, rủi ro cao. Đa phần các cơ sở kinh doanh theo đơn đặt hàng của người nuôi mà đăng ký với các cơ sở giống ở An Giang, Đồng Tháp rồi đem về giao liền cho khách. Để có nguồn ổn định mua bán, họ lấy cá lúc còn dạng “ròng ròng” về thả vào ao nuôi thêm, lời khấm khá hơn.
Cơ sở ương cá giống có rất nhiều. Vấn đề là cần chọn được địa chỉ có uy tín để mua. Ông Nguyễn Văn Ký (ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) sở hữu 47 cặp cá lóc bố mẹ, mỗi năm thu gần 100 triệu đồng. Theo ông Ký, “để chọn cá bố mẹ làm giống thì ngoài đặc điểm cá to khỏe (trọng lượng trên 2 kg/con), cần lựa cá có thân hình suôn, thẳng đều, không dị tật, bụng to…”. Về khâu chăm sóc, ông Ký lưu ý: Mỗi tuần chỉ nên cho cá nuôi để đẻ ăn một lần (mồi là cá biển); nếu cho cá ăn nhiều, cá bố mẹ bị béo, trứng ít.
Không những thế, ông Kỹ còn có sáng kiến làm “chòi cho cá đẻ”. Ông kể: “Ban đầu, tôi để cá tự làm ổ đẻ; nhưng khi thấy tỉ lệ cá con hao hụt quá cao, do ếch nhái tấn công, nên tôi nghĩ ra cách bảo vệ, bằng việc làm chòi cho cá đẻ. Vật liệu làm nhà đơn giản: lấy 4 cây trúc, cắm xuống ao theo hình vuông, mỗi cây cách nhau 70 – 80cm. Sau đó dùng lưới cước bao bọc chung quanh 4 cây trụ, từ mặt nước trở lên; phần trên che lại bằng lá, ngăn ếch nhái nhảy vào; phần dưới mặt nước để trống cho cá bố mẹ ra vào.”.
Việc nuôi cá bố mẹ, ông Ký cho biết thêm: “Cá tốt có trọng lượng 10 – 15 gram/con; nuôi 8 tháng có thể đến 1 kg/con. Nhưng để làm cá bố mẹ, phải nuôi thêm cho đạt trọng lượng 2 kg/con trở lên thì mới cho đẻ. Cá bắt đầu đẻ từ tháng chạp đến tháng 6 âm lịch. Nếu chăm sóc tốt, cứ 2 tháng cá đẻ một lần; trung bình mỗi ổ trứng nở 8.000 – 10.000 con. Sau khi cá đẻ vài giờ thì vớt trứng cho vào vèo và trong khoảng 2 ngày đêm, trứng sẽ nở thành cá bột. Nuôi cá bột thêm 1 tháng thì có thể bán cá con”.
Theo kinh nghiệm anh Nguyên: “Cá nuôi trong mùa nước rút ngắn được thời gian 15 – 20 ngày, vì môi trường nước tốt và đủ thức ăn. Cá lóc đầu vuông nuôi 3,5 tháng đạt trọng lượng 400 – 600g/con. Cá lóc đầu nhiếm chậm lớn hơn, phải mất 4 – 4,5 tháng mới đạt trọng lượng như vậy. Bù lại, cá đầu nhiếm có thịt ngon hơn, gần bằng thịt loại cá lóc đồng, nên giá có thể khá hơn”.
>> Cá lóc thích thức ăn cá tạp, có nhiều đạm. Vì vậy, người nuôi phải biết kĩ thuật để tránh cá bị nhiễm khuẩn từ thức ăn thừa, gây bệnh hao hụt. Tuy vậy, nuôi cá lóc nếu hao hụt 50, đạt tỉ lệ sống 50 thì người nuôi vẫn có lãi. |