(Thủy sản Việt Nam) – Qua hai năm triển khai Đề án 52, công tác DS – KHHGĐ ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đã đạt được những thành tựu khả quan, đời sống người dân ngày được cải thiện, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhận thức của người dân về công tác DS – KHHGĐ đã thay đổi từng ngày.
Cộng tác viên là nòng cốt
Sông Cầu là một trong những địa phương ven biển có mật độ dân số cao của Phú Yên, với 96.384 người, trong đó, 16.513 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Trong những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, Sông Cầu luôn xác định công tác dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội, nhằm cải thiện đời sống của người dân miền biển. Đặc biệt là việc phát triển đội ngũ làm công tác dân số, hiện, thị xã Sông Cầu có 171 cộng tác viên (trong đó 159 là nữ) hoạt động tại các khu vực khác nhau, đội ngũ này thường xuyên được tập huấn, trau dồi và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ.
Người dân được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ
Mặc dù, quá trình hoạt động cũng gặp những khó khăn nhất định, như phụ cấp cho các công tác viên còn eo hẹp, chưa đủ chi phí cho hoạt động tuyên truyền, người dân không thiết tha với công tác dân số, chị em trong độ tuổi sinh đẻ không có điều kiện để thực hiện các biện pháp tránh thai an toàn, tâm lý sinh nhiều con để lao động và đặc biệt là phải có con trai… Do đó, các cán bộ dân số phải xuống từng nhà, tiếp cận từng người một cách thường xuyên, liên tục, động viên khuyến khích người dân, phân tích cho họ thấy được tác hại của việc sinh con một bề sẽ ảnh hưởng tới đời sống gia đình, không có điều kiện chăm lo cho con cái. Bằng những việc làm cụ thể như phát tờ rơi, động viên khuyến khích, nhận thức của nhân dân cũng dần thay đổi, số chị em tham gia thực hiện KHHGĐ ngày một tăng.
Chị Nguyễn Thị Vân, một cộng tác viên dân số tại phường Xuân Đài chia sẻ, để việc vận động triển khai thực hiện công tác dân số có hiệu quả, mỗi cộng tác viên dân số phải là người gương mẫu đi đầu, luôn trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, vừa học vừa làm. Từ đó rút ra kinh nghiệm, tiếp cận trực tiếp với người dân, thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng, động viên họ thực hiện đúng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Thành tựu khả quan
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 52, công tác dân số tại Phú Yên nói chung và thị xã Sông Cầu nói riêng đã có những chuyển biến nhất định. Là một trong những địa bàn có số người tham gia thực hiện DS – KHHGĐ cao nhất ở Phú Yên, Sông Cầu đã trở thành một điển hình tiêu biểu trong những năm qua.
Cộng tác viên đến từng nhà phổ biến kiến thức, về DS – KHHGĐ
Tính đến quý I/2012, toàn thị xã đã thực hiện các biện pháp tránh thai đạt hiệu quả, cụ thể, thực hiện tiêm đạt 315 trường hợp, uống đạt 1.635 trường hợp, bao cao su đạt 2.948 trường hợp, số người sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống còn 23 người, số phụ nữ đặt vòng tránh thai mới đạt 140 trường hợp, số người cấy thuốc tránh thai mới là 1 người. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đang sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 13.962 trường hợp. Phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa hầu như không còn, đặc biệt hình thành nhiều CLB chăm sóc SKSS, tủ sách DS – KHHGĐ và phương tiện tránh thai được cấp miễn phí cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, tinh thần trách nhiệm của cán bộ dân số và cộng tác viên cũng được động viên rất nhiều nhờ có thêm chính sách hỗ trợ từ địa phương.
Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp chính quyền như thành lập các đội lưu động y tế – KHHGĐ, hỗ trợ các trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho các Trung tâm Y tế dự phòng và Bệnh viện Đa khoa các huyện tuyến biển, tư vấn hỗ trợ tiền đi lại cho người lao động nhập cư tham gia thực hiện KHHGĐ. Đề án cũng đã trang bị máy siêu âm xách tay cho các đội y tế – KHHGĐ lưu động, tổ chức tập huấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho cán bộ dân số, phát hiện và điều trị kịp thời cho 4 trường hợp tại thị xã Sông Cầu.
Để nâng cao chất lượng dân số vùng biển của tỉnh, Chi cục DS – KHHGĐ Phú Yên đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), Trường đại học Y dược Huế tổ chức chương trình nâng cao kỹ thuật về sàng lọc dị tật bẩm sinh ở các bà mẹ mang thai, kiểm soát các bệnh ở phụ nữ, vô sinh nam cho cán bộ làm công tác dân số vùng biển. Ngoài ra, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) đã hỗ trợ Sông Cầu thực hiện gói dịch vụ giới và phòng tránh HIV/AIDS từ năm 2003, đến nay đã thực hiện trên khắp các địa bàn thị xã. Với đối tượng đích là tầng lớp thanh thiếu niên, nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng tránh thai có hiệu quả.
Mặc dù, một số làng chài ven biển vẫn chưa tiếp cận được các gói dịch vụ, mức sinh vẫn còn cao, nhưng hiệu quả mà Đề án 52 mang lại cho người dân miền biển là không thể phủ nhận.
>> Bà Nguyễn Thị Như Mai – Chi cục phó Chi cục DS – KHHGĐ Phú Yên cho biết, trong tháng 3 và tháng 4/2012, thị xã Sông Cầu đã thực hiện gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em có hiệu quả. Nhận thức của thanh niên và các bậc cha mẹ tại 11 xã ven biển ngày một nâng cao, tỷ lệ nạo phá thai giảm chỉ còn 200 ca.
Vân Anh