(Thủy sản Việt Nam) – Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án 52 đã thu được nhiều thành quả đáng trân trọng. Nhìn lại chặng đường 2 năm qua, Tạp chí Thủy sản đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quân (ảnh), Phó giám đốc Ban quản lý các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số – Kế hoạch hoá gia đình.
Những thành quả nổi bật của Đề án 52 trong những năm qua là gì, thưa ông?
Trong quá trình triển khai các hoạt động, 6 nhiệm vụ trọng yếu của Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã được chúng tôi triển khai một cách khẩn trương, đồng bộ và bước đầu đã mang lại một số kết quả, cụ thể:
– Thực hiện việc thiết kế các mô hình can thiệp thiết kế, thử nghiệm mô hình cung cấp dịch vụ và tư vấn về CSSKBMTE, SKSS, KHHGĐ tới các khu vực vùng biển, đảo và ven biển, khu vực ngập mặn, đàm phá, cửa sông, vạn chài…
– Sản xuất và phát sóng tuyên truyền, vận động trên các kênh truyền thông đại chúng; Tổ chức các sự kiện truyền thông với chủ đề ”Chương trình giao lưu nghệ thuật – Những người con của biển”; Xây dựng và đăng tải nhiều tin bài, ảnh và phóng sự tuyên truyền, vận động trên các ấn phẩm của các báo, tạp chí của Trung ương.
– Xây dựng trang thông tin điện tử phục vụ cho công tác điều hành và quản lý Đề án 52, trang website có địa chỉ: www.dansobien.gov.vn
– Xây dựng và triển khai hoạt động của các Đội lưu động cung cấp dịch vụ Y tế – KHHGĐ tới từng gia đình người dân đang sinh sống, làm việc. Đến nay, 28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập 169 đội lưu động, bình quân mỗi huyện có 1 đội lưu động, 17 tỉnh đã thành lập đội lưu động tuyến tỉnh để hỗ trợ kỹ thuật cho đội lưu động tuyến huyện.
Sau hơn 2 năm thực hiện, trở ngại lớn nhất khi triển khai Đề án là gì?
Trong quá trình triển khai hoạt động Đề án cũng gặp một số khó khăn, thách thức như:
– Cho đến nay, chúng ta cũng chưa có những chính sách cụ thể về công tác DS-KHHGĐ mang tính đặc thù vùng biển, đảo và ven biển.
– Tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các huyện đảo và ven biển cao hơn các huyện khác trong cùng tỉnh và cao hơn mức bình quân của cả nước. Trong 28 tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế, có 12 tỉnh ven biển; nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, nhất là sinh con trai.
– Tỷ suất chết mẹ, mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao; Số trẻ em sinh ra bị dị tật, dị dạng và thiểu năng trí tuệ còn đáng lo ngại.
– Cơ sở vật chất, mạng lưới cung cấp dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp với đặc điểm môi trường và khí hậu biển, không bền vững. Đáng chú ý hiện vẫn còn một số xã ven biển, đảo chưa có trạm y tế, 19,7% trạm y tế xã chưa có bác sỹ.
– Mức tăng dân số cơ học do di dân đến vùng biển, đảo và ven biển lao động và sinh sống ngày càng tăng nhanh, mật độ dân số vùng biển, ven biển cao.
– Các hoạt động xây dựng và củng cố hệ thông tin quản lý DS-KHHGĐ quốc gia chưa phủ các huyện đảo; Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ, về CSSKSS chưa đủ điều kiện giải quyết các đặc thù, đặc điểm kinh tế, xã hội của vùng biển, của người dân sống trên đảo, ven biển…
Đội tuyên truyền lưu động đang ngày càng phát huy hiệu quả
Mục tiêu hướng tới của Đề án 52 giai đoạn 2012 – 2015 là gì, thưa ông?
Đến năm 2015 (kết thúc giai đoạn 1) phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng; nâng cao chất lượng dân số; nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKBMTE, SKSS, KHHGĐ. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý về DS-KHHGĐ; thí điểm và nhân rộng một số loại hình, mô hình; tổ chức các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ CSSKBMTE, SKSS và KHHGĐ. Đến năm 2015, một số chỉ tiêu cụ thể Đề án cần phấn đấu đạt được như sau:
– Quy mô dân số các vùng biển, đảo và ven biển không vượt quá 34 triệu người.
– Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các vùng biển, đảo và ven biển áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 72%.
– Tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch, khu kinh tế thuộc khu vực đảo, ven biển và trên biển được tiếp cận các dịch vụ CSSKBMTE, SKSS và KHHGĐ đạt 80%.
– Tỷ lệ trẻ em tại các vùng biển, đảo và ven biển bị dị dạng, dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hoá và do di truyền giảm bình quân hàng năm khoảng 5% trong giai đoạn 2011 – 2015.
– Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về DS-KHHGĐ tại các vùng biển, đảo và ven biển.
Đề án sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “Công dân biển phải có sức khỏe biển, trí tuệ biển” trong năm 2012 và những năm tới như thế nào thưa ông?
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, Đề án 52 tiếp tục triển khai đồng bộ 6 nhiệm vụ và các hoạt động chủ yếu đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg ngày 9/4/2009; ưu tiên tập trung việc giảm sinh đối với 12 tỉnh ven biển chưa đạt mức sinh thay thế và tăng cường giải pháp kiểm soát giới tính khi sinh đối với 18 tỉnh, thành phố ven biển có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao trên 110.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động và truyền thông chuyển đổi hành vi nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội cho tổ chức thực hiện Đề án. Chú trọng kênh truyền thông trực tiếp, lấy đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên DS-KHHGĐ, y tế cơ sở làm lực lượng chủ lực.
Ưu tiên tổ chức Đội lưu động Y tế – KHHGĐ tuyến huyện. Đồng thời thí điểm và nhân rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả, xây dựng các mô hình can thiệp mới phù hợp với việc đáp nhu cầu chăm CSSKBMTE, SKSS và KHHGĐ vùng biển, đảo và ven biển.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Sau 2 năm triển khai Đề án 52, đến nay đã có 654.004 lượt người đã được tư vấn về các nội dung CSSKSS, KHHGĐ. 91.672 bà mẹ mang thai đã được khám thai; 701.968 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được khám phụ khoa, trong đó cấp thuốc điều trị và tư vấn cho 354.524 trường hợp phụ nữ được mắc các bệnh phụ khoa. Thực hiện khám, kiểm tra sức khoẻ, điều trị các bệnh thông thường và lập danh sách quản lý trẻ em tại cộng đồng cho 201.207 cháu…
Thu Hồng
(Thực hiện)