Đề án 52 tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Chú trọng tuyên truyền giáo dục về SKSS/KHHGĐ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện Đề án 52 dưới nhiều hình thức truyền thông phong phú đã tác động mạnh đến nhận thức của người dân vùng biển trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Phối hợp đồng bộ

Dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch Đề án 52, nhằm tạo sự đồng thuận khi thực hiện. Ngay từ khi triển khai Đề án, năm 2009, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thành công Lễ ra quân triển khai Đề án, đánh dấu sự khởi đầu trong kế hoạch thực hiện. Bên cạnh đó, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Thông tin và Tư liệu dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ) tổ chức khảo sát các chỉ tiêu đầu vào về kiến thức thái độ và thực hành của người dân vùng biển. Thông qua kế hoạch khảo sát làm cơ sở cho kế hoạch hàng năm.

Năm 2010, Chi cục DS-KHHGĐ cùng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Viện Văn hóa và Phát triển của Học viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi hội thảo “Vai trò của các cấp Ủy, Đảng các cấp với công tác DS-KHHGĐ các vùng biển, đảo và ven biển”. Trong 2 năm qua, việc phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành đã góp phần thực hiện Đề án được thuận tiện và hiệu quả hơn.

 

Nâng cao hiệu quả truyền thông

Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể như Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa – Vũng Tàu… thực hiện các phóng sự về KHHGĐ ở vùng biển, triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục về DS-KHHGĐ đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh và đã có hiệu quả làm thay đổi nhận thức và hành vi về SKSS của người dân vùng biển. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập 2 câu lạc bộ Nông dân và Sức khỏe sinh sản tại xã biển Long Hải (huyện Long Điền) và Phước Hải (huyện Đất Đỏ) bước đầu đạt hiệu quả.

Sau 2 năm triển khai, đã có 519 lần phát tin trên truyền thanh, truyền hình về quản lý, chuyên môn thuộc Đề án, 3 phóng sự đã được phát trên kênh truyền hình địa phương, 58 tin, bài về các hoạt động của Đề án được đăng trên báo, tạp chí, bản tin địa phương, 200 tờ rơi truyền thông… Tổ chức sinh hoạt nhóm thường xuyên tại các phường, xã, thị trấn vùng biển. Sinh hoạt câu lạc bộ, giáo dục đồng đẳng, tư vấn trực tiếp và tư vấn tại cộng đồng để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng thực hành các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư hệ thống sinh sản cho các nhóm phụ nữ, chú trọng nhóm phụ nữ 15 – 24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định tại các xã ven biển.

Nhờ Đề án 52, ngư dân xã Châu Bình, huyện Xuyên Mộc dần thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ              Ảnh: Thanh Nga

 

Đẩy mạnh vai trò đội lưu động

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác truyền thông, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thành lập các Đội Y tế – KHHGĐ lưu động. Ngoài nhiệm vụ thực hiện công tác tập huấn, truyền thông, tư vấn, các đội lưu động còn cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ và chăm sóc SKSS tại các xã đảo, ven biển, xã có đông người lao động nhập cư. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình tư vấn, CSSK cho các bà mẹ mang thai, hỗ trợ phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn… cũng được tiến hành ở các địa bàn triển khai Đề án. Kết quả sau 2 năm, tỉnh đã thành lập được 8 Đội Y tế – KHHGĐ lưu động, tư vấn cho 6.747 lượt người, số bà mẹ mang thai được khám là 2.257, số người được phát hiện và điều trị phụ khoa là 4.529 người. Địa điểm cung cấp dịch vụ của Đội lưu động là Trạm y tế các xã ven biển của huyện. Ngoài ra, Sở Y tế đã chỉ đạo đưa một số kỹ thuật cao xuống phục vụ cho người dân vùng biển như siêu âm phụ khoa, xét nghiệm tế bào, soi cổ tử cung, tầm soát ung thư. Những hoạt động này đã tạo được sự hưởng ứng và đồng thuận của người dân vùng biển.

Sau hơn 2 năm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai Đề án 52 bước đầu thu hiệu quả, người dân vùng biển, đảo và ven biển được nâng cao nhận thức, có cơ hội cải thiện cuộc sống tốt hơn góp phần phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng địa phương.

>> Bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, Chi cục DS-KHHGĐ đã và đang thực hiện một số hoạt động cụ thể như khám thai, khám và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường có sử dụng cận lâm sàng như soi tươi, nhuộm gram và siêu âm; phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn, thực hiện dịch vụ KHHGĐ… cho người dân vùng biển, ven biển của tỉnh.

Giang Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!