Đề án 52 đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận cho huyện Bình Đại; được coi là “luồng gió mới” trong hoạt động dân số nói chung và các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ nói riêng.
Chung tay
Thực hiện Đề án từ năm 2009, qua hơn 6 năm triển khai, Bình Đại đã nhân rộng các mô hình, hoạt động tuyên truyền, chăm sóc SKSS cho đối tượng tham gia trên tất cả các hoạt động. Trong năm 2015, Trung tâm DS – KHHGĐ Bình Đại phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức đội khám lưu động thực hiện 25 lượt tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ, khám phụ khoa tại các xã thuộc Đề án 52. Đồng thời, tổ chức khám cho 4.511/5.022 người, đạt 89,8%, thực hiện 865 ca soi tươi, siêu âm 2.254 ca, phát hiện và điều trị cho 632 chị em phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa. Triển khai gói làm mẹ an toàn, khám thai cho 63 bà mẹ mang thai. Gói KHHGĐ, tổng các BPTT lâm sàng thực hiện trong đợt khám đạt 129,6% kế hoạch đề ra, trong đó đặt vòng 183,4%, thuốc tiêm 51,8%.
Nhìn nhận những hoạt động đã triển khai trong thời gian qua, bà Võ Thị Mai, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện cho biết, nhìn chung trong năm qua, công tác dân số nói chung đã ghi nhận những kết quả nhất định, đặc biệt, các hoạt động có sự tham gia của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Bộ đội Biên phòng… Nhìn chung, đối tượng đi biển dài ngày và người thân của đối tượng đã được cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn và phá thai an toàn.
Chăm sóc SKSS cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ luôn được chú trọng trong năm 2016 – Ảnh: CTV
Đánh giá về hoạt động dân số tại địa phương, một số chị em phụ nữ tại xã Phú Long cho biết, qua việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, khám và cấp phát thuốc về dân số; chị em phụ nữ đã có nhận thức đúng đắn, thay đổi hành vi trong hoạt động chăm sóc SKSS. Tuy nhiên, chị em mong muốn sẽ có thêm những trang thiết bị hiện đại để khám và tư vấn những bệnh nguy hiểm khi cần thiết.
Sớm khắc phục khó khăn
Đến nay, do kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia DS – KHHGĐ bị cắt giảm, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động ở cơ sở. Hơn nữa, một số thành viên phối hợp chưa đồng bộ, chưa chủ động sắp xếp thời gian hỗ trợ tuyên truyền theo kế hoạch. Trong quá trình triển khai, một số chị em phụ nữ chưa tham gia chưa tích cực. Đặc biệt, rất khó tiếp cận các đối tượng đi biển dài ngày nên việc tập hợp để truyền thông rất khó khăn. Do đặc thù nghề nghiệp nên các chủ phương tiện ghe tàu không cho phép cộng tác viên là nữ tiếp cận đối tượng trên ghe để truyền thông và cung cấp dịch vụ. Một số mô hình tư vấn thực hiện chưa hiệu quả.
Trung tâm DS – KHHGĐ Bình Đại mong muốn, tiếp tục nhận được hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của Đề án, đặc biệt dành cho các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ và đào tạo tập huấn. Năm 2016, địa phương tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về công tác dân số, nhất là các hoạt động về tư vấn, chăm sóc SKSS cho các đối tượng trong độ tuổi tuyên truyền.
Cùng đó, năm 2016, ngành dân số sẽ tham mưu xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể sát với thực tế từng địa phương, phân bổ kinh phí kịp thời cho các hoạt động. Thực hiện có hiệu quả hoạt động của các mô hình như: Làm mẹ an toàn, cung cấp dịch vụ cho người lao động đi biển dài ngày, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh… Tích cực tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông dân số tại địa phương.
Đội ngũ cộng tác viên dân số các địa phương cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, tập huấn, đào tạo về chuyên môn, hoạt động tuyên truyền tích cực và thường xuyên hơn, có chế độ đãi ngộ phù hợp.
>> Năm 2015, Ban Dân số huyện Bình Đại đã tổ chức 234 buổi truyền thông tại tổ nhân dân tự quản, thăm và tư vấn tại hộ cho 518 đối tượng. Cùng đó, phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Đại, Trạm Kiểm soát Biên phòng Bình Thắng truyền thông 196 cuộc cho nam thanh niên đi biển, trước khi rời bến và cập bến, cung ứng 800 phương tiện tránh thai, bao cao su miễn phí. |