Đề án 52 tại Cà Mau: Luồng sinh khí mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Cà Mau trong nhóm 28 tỉnh, thành phố ven biển được Tổng cục DS – KHHGĐ chọn triển khai Đề án 52. Qua gần 4 năm thực hiện, Đề án không chỉ giải quyết vấn đề giảm sinh, mà mục tiêu lâu dài là đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản ở các xã ven biển.

Tiềm năng thủy sản

Đây là lợi thế lớn nhất của tỉnh Cà Mau, trong đó diện tích nuôi tôm đứng đầu khu vực ÐBSCL và cả nước. Những năm qua, nuôi trồng thủy sản có bước chuyển khá mạnh, đạt tăng trưởng 7 – 8%/năm; đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên 296.000 ha, sản lượng 240.000 tấn/năm, sản lượng khai thác thủy sản trung bình 150.000 tấn/năm. Gần đây, tỉnh đã đầu tư phát triển nhiều khu công nghiệp, phát triển mạnh dịch vụ hầu cần nghề cá vùng ven biển. Cùng với phát triển thế mạnh kinh tế biển, các xã ven biển luôn phải đối mặt tình trạng di dân ngoài kế hoạch, đa số là người nghèo từ nhiều nơi khác về lập nghiệp, mưu sinh bằng nghề biển. Điều này gây khó khăn lớn cho các địa phương trong việc quản lý công tác DS – KHHGĐ, mức sinh tăng cao khó kiểm soát.

Nuôi tôm là một trong những thế mạnh của tỉnh Cà Mau – Ảnh: Trần Út

 

Hướng tới sức khỏe người dân

Đề án 52 được triển khai với những hoạt động cụ thể đã tạo luồng sinh khí mới, tác động trực tiếp đời sống người dân cũng như thúc đẩy công tác DS – KHHGĐ của Cà Mau ngày càng phát triển. Theo Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh, việc thực hiện Đề án tại 47 xã đã mang lại những kết quả tích cực, tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 80%; tổng tỷ suất sinh 2% (đạt mức sinh thay thế); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 5,45%. Đề án cũng góp phần nâng cao chất lượng dân số khi sinh thông qua chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đến nay, 100% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh bằng siêu âm chẩn đoán hình thái học. Có 4 bệnh viện đa khoa trong vùng Đề án được triển khai sàng lọc sau sinh.

Nhiều dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được phổ biến đến người dân, tạo chuyển biến tích cực trong công tác DS – KHHGĐ

Ông Huỳnh Thanh Giảng, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Trần Văn Thời, cho biết: Gần 4 năm triển khai, Đề án đã góp phần giảm mức sinh, nhất là giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên. Cùng đó, nhờ Trung ương và Tỉnh đầu tư nguồn lực nên hoạt động truyền thông, giáo dục lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đạt kết quả tốt. Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số các xã ven biển được hỗ trợ kinh phí hoạt động cao hơn các xã không triển khai và được tham dự tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông, vận động thực hiện công tác DS – KHHGĐ, quản lý tình hình biến động dân số tại địa phương.

 

Hiệu quả từ cách làm hay

Tỉnh Cà Mau có 47 xã, thị trấn ven biển với số dân trên 570.000 người, mật độ dân số khoảng 227 người/km2, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 170.000 người. Các cặp vợ chồng ở vùng biển thường sinh đông con, vì muốn có con trai để kế thừa nghề biển. Nắm bắt tâm lý này, cộng tác viên dân số thường xuyên đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động, thuyết phục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cấp phát bao cao su, thuốc tránh thai cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Phú Tân cho biết, để giảm nhanh tỷ lệ sinh, Phú Tân đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các xã ven biển, đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động cho công tác DS – KHHGĐ, quan tâm đầu tư nguồn lực triển khai có hiệu quả Đề án. UBND các huyện, xã và thị trấn kịp thời động viên khen thưởng những cán bộ làm tốt công tác dân số, cũng như có chích sách khuyến khích người dân thực hiện KHHGĐ, không sinh con thứ ba trở lên. Ngoài việc nhân rộng các mô hình CLB không sinh con thứ ba, CLB tiền hôn nhân, CLB chăm sóc SKSS, Trung tâm còn thực hiện tiếp thị xã hội và cung cấp phương tiện tránh thai với số lượng trên 15.000 vỉ thuốc và bao cao su cho các cặp vợ chồng ở các xã ven biển, nâng tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai đạt gần 70%.

Cùng đó, mức sinh tại các xã ven biển bước đầu được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn. Hằng năm, tỉnh tổ chức chiến dịch tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 100% xã ven biển để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện công tác dân số; đảm bảo ổn định quy mô dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số vùng đặc biệt khó khăn, vùng ven biển. Chi cục Dân số thực hiện cung cấp dịch vụ tránh thai cho gần 40.000 người, khám và điều trị bệnh viêm nhiễm đường sinh sản cho gần 20.000 lượt phụ nữ, hàng trăm phụ nữ được hỗ trợ phá thai an toàn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng dân số ở các xã vùng biển, đảo vẫn còn thấp, mức giảm sinh chưa bền vững, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng tăng và trẻ em bị dị dạng, khuyết tật, tỷ lệ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục còn cao. Để khắc phục thực trạng trên, ông Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Cà Mau cho rằng, ngoài việc tuyên truyền vận động nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm của mỗi người, Chi cục cần phối hợp thật tốt với Bộ đội Biên phòng tại các âu thuyền cửa biển trong việc tuyên truyền vận động, cung cấp bao cao su miễn phí trước khi đi biển và lên bờ. Đồng thời, thực hiện tốt khâu khám, tư vấn, điều trị miễn phí cho đối tượng nghi ngờ hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

>> Năm 2013, Cà Mau khống chế quy mô dân số  các xã ven biển không vượt quá 600.000 người, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai đạt 72%, tạo cơ hội cho hơn 70% người dân ở các xã vùng biển được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!