Mặc dù là địa phương trọng điểm được thực hiện Đề án 52 nhưng TP Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là vấn đề kinh phí, yếu tố sống còn duy trì hoạt động của Đề án.
Nhiều kết quả
Trong năm 2015, 5 quận huyện của Thành phố Đà Nẵng được triển khai Đề án 52 là Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, huyện đảo Hoàng Sa. Theo đó, nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ như duy trì sinh hoạt Câu lạc bộ SKSS cho các bà mẹ mang thai có nguy cơ cao trong thai nghén, tư vấn cho các đối tượng và cung cấp tờ rơi; kiến thức về KHHGĐ, chăm sóc SKSS và vận động tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh… Tổ chức các buổi truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ mang thai tại các phường ven biển với 850 lượt bà mẹ mang thai tham dự; duy trì các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ SKSS cho các bà mẹ mang thai, tư vấn kiến thức về KHHGĐ, chăm sóc SKSS về thai nghén và vận động tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh… Chi cục Dân số đã phối hợp với các Trung tâm Dân số tổ chức các buổi truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề cho vị thành niên, thanh niên 15 – 24 tuổi chưa kết hôn, không đi học, chưa có việc làm tại các phường ven biển với trên 900 lượt vị thành niên, thanh niên tham dự.
Truyền thông dân số cho vị thành niên, thanh niên
Đánh giá về kết quả của Đề án 52, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai đã tạo cơ hội cho người dân vùng biển được trang bị thêm những kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giảm mức sinh. Đồng thời, giúp người dân tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tạo điều kiện thuận lợi trong tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân vùng ven biển nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe.
Nan giải kinh phí
Từ đầu năm 2016 đến nay, mặc dù đã đi qua gần nửa chặng đường nhưng Đề án 52 vẫn chờ đợi kinh phí của cấp trên phân bổ về cho địa phương. Đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông phối hợp các ban, ngành, hội đoàn thể. Một số lãnh đạo chính quyền, đơn vị chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của công tác dân số, dẫn đến sự thiếu quan tâm, thiếu quyết tâm chỉ đạo, đầu tư không đúng mức cho công tác DS – KHHGĐ. Mọi hoạt động triển khai vẫn diễn ra cầm chừng chờ kinh phí duy trì. Lãnh đạo địa phương cho biết, trong khi chờ đợi kinh phí, việc triển khai tuyên truyền chỉ dừng lại ở việc kết hợp với các hoạt động lồng ghép của các ban ngành đoàn thể khác, hiệu quả còn dè dặt.
Cùng đó, khó khăn do bộ máy tổ chức thiếu tính ổn định, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác DS – KHHGĐ chưa được quan tâm nhiều nên khó thu hút những cán bộ có trình độ chuyên môn cao cho ngành. Chỉ tiêu giảm sinh và tổng tỷ suất sinh thô của thành phố chưa đạt. Nhận thức người dân vẫn còn nặng tư tưởng bao cấp, miễn phí trong dịch vụ KHHGĐ, sự chuyển đổi thực hiện truyền thông xã hội, xã hội hóa các PTTT cũng gặp nhiều khó khăn.
Mong muốn của địa phương hiện nay là có nguồn vốn hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, các hoạt động triển khai chiến dịch, duy trì kết quả như mọi năm.
Bà Phạm Nữ Trinh, cộng tác viên dân số quận Ngũ Hành Sơn cho biết, tham gia làm cộng tác viên dân số nhiều năm liền, từ những ngày Đề án được triển khai đầu tiên; tuy nhiên, năm nay, hoạt động khó khăn hơn khi kinh phí chưa có. Địa phương mong muốn sớm có kinh phí để duy trì hoạt động và kết quả được đảm bảo như các năm trước.
>> Trong năm 2015, Đội dịch vụ y tế – KHHGĐ lưu động tại TP Đà Nẵng đã kết hợp tổ chức tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ cho khoảng 12.000 phụ nữ; lồng ghép triển khai khám, điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản tại 18 phường với 10.000 phụ nữ tham gia khám phụ khoa, 3.000 phụ nữ mắc bệnh (tỷ lệ 25%). |