Qua hơn 4 năm triển khai, Đề án 52 đã góp phần ổn định mức sống và nâng cao chất lượng dân số các phường ven biển Đà Nẵng. Người dân miền biển được chăm sóc tốt hơn, phát triển toàn diện về giáo dục, y tế.
Phát triển kinh tế biển
Đà Nẵng có hơn 92 km bờ biển, với 80% dân số đang sinh sống tại 6/8 quận, huyện ven biển. Biển đã, đang và sẽ tạo ra vị thế phát triển cho thành phố thông qua các lĩnh vực khai thác thủy sản, du lịch, công nghiệp cơ khí và chế biến, vận tải biển, và đặc biệt là nhiệm vụ quốc phòng an ninh vùng biển.
Chuyến biển được mùa mang niềm vui cho ngư dân quận Sơn Trà
Với mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước, có mức tăng trưởng cao về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 14 – 15%/năm, Đà Nẵng đã xác định hướng đi của mình, đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, hạn chế tối đa vùng ven bờ, nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo đó, phát triển nhanh số lượng tàu cá công suất lớn và cải hoán nâng cấp tàu cá công suất nhỏ để vươn khơi; hình thành các đội tàu cùng nghề 10 – 15 chiếc/đội để hỗ trợ nhau khai thác trên biển; đầu tư đóng mới 130 – 150 tàu công suất 200 CV/chiếc trở lên và cải hoán nâng cấp ít nhất 800 tàu cá công suất nhỏ, đưa tổng công suất tàu cá Đà Nẵng lên 30.000 CV. Đồng thời, đầu tư đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 5 – 10 chiếc có công suất 800 – 1.000 CV/chiếc, cung cấp nguyên nhiên liệu và mua gom sản phẩm ngay trên biển.
Chú trọng công tác dân số
Đà Nẵng có 18 phường của 5 quận (Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) và huyện đảo Hoàng Sa thuộc vùng biển đảo và ven biển, với 78.525 hộ, 346.960 nhân khẩu, chiếm 39% dân số toàn thành phố. Trong đó, 55.186 phụ nữ đã có chồng, chiếm 37% tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi). Để người dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số…; UBND thành phố đã triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 – 2020 (Đề án 52) từ năm 2009.
Việc triển khai thực hiện Đề án 52 tại 18 phường trong thành phố còn góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; do đó, các ngư dân miền biển vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng được hưởng lợi. Đề án không chỉ hướng tới mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, tỷ lệ nạo phá thai… Chất lượng dân số, nguồn nhân lực được cải thiện, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, việc xây dựng khu dân cư văn hóa biển ngày càng đạt kết quả cao, tội phạm giảm, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo của người dân được nâng lên rõ rệt…
Hưởng lợi từ Đề án
Năm 2012, có hơn 18.667 lượt phụ nữ toàn thành phố được cung cấp thông tin về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, 11.257 phụ nữ độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa. Ngoài ra, Đề án còn xây dựng thành công các mô hình tư vấn về chăm sóc SKSS của 18 CLB cho nhóm đối tượng 15 – 24 tuổi và bà mẹ mang thai, xây dựng CLB Nam ngư dân tạo điều kiện cho nam giới nhận thức đầy đủ hơn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Bà Hồ Đàm Như Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn phường có tỷ suất sinh thô đạt 17‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 5,8%; CLB Nam ngư dân được công nhận thực hiện tốt chính sách DS – KHHGĐ; tổ chức tư vấn và khám phụ khoa cho hơn 200 lượt phụ nữ, điều trị cho hơn 100 lượt phụ nữ mắc bệnh phụ khoa thông thường; các CLB tổ chức nói chuyện chuyên đề theo định kỳ đã thu hút nhiều bà mẹ mang thai tham gia.
Chị em trong độ tuổi sinh đẻ được đội ngũ y bác sĩ hướng dẫn các biện pháp chăm sóc SKSS/KHHGĐ
Chị Nguyễn Thị Tâm, cộng tác viên dân số phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) chia sẻ: “Ngày trước, đi vận động đến khản cả giọng mà nhiều người không chịu tham gia KHHGĐ, nhất là những gia đình đi biển, sinh con một bề. Còn hiện nay, cứ gửi giấy mời là chị em thu xếp công việc tham gia đầy đủ. Có nhiều chị mới sinh một con cũng đã thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Ngoài ra, các cấp đã phối hợp chặt chẽ và giám sát cơ sở liên tục để tư vấn, can thiệp, chuyển tuyến xử lý kịp thời những trường hợp các chị em có vấn đề về SKSS…”.
Phối hợp đồng bộ, hiệu quả
Ông Nguyễn Út, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Phó trưởng ban Chỉ đạo công tác DS – KHHGĐ thành phố Đà Nẵng, cho hay, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng công tác DS – KHHGĐ ở đây đã được triển khai quyết liệt, với nhiều giải pháp đồng bộ: củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức dân số từ tuyến thành phố đến quận (huyện), xã (phường); tổ chức lớp bồi dưỡng đạt chuẩn viên chức dân số 3 tháng (đầu tiên trên cả nước) cho hầu hết cán bộ làm công tác dân số cơ sở… Đặc biệt, Đề án còn được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức hoạt động như thành lập Đội dịch vụ Y tế – KHHGĐ lưu động thực hiện truyền thông tư vấn lồng ghép, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân vùng biển; tổ chức tư vấn, nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…
Theo bà Lê Thị Thu Huệ, cán bộ chuyên trách dân số phường Thọ Quang, để có được thành công về công tác dân số, rất cần sự đồng hành của các cấp, ngành, đoàn thể cũng như sự ủng hộ của nhân dân. Để người dân vùng biển hiểu rõ các biện pháp tránh thai hiện đại thì phải tuyên truyền theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” chứ không thể theo kiểu phong trào. Vì vậy, Phường luôn chú trọng tuyên truyền cho các nam ngư dân thường xuyên đi làm biển xa nhà; truyền thông nhóm cho đối tượng phụ nữ, chú trọng phụ nữ 15 – 24 tuổi chưa kết hôn, kể cả nữ công nhân viên làm việc tại các khu công nghiệp.
>> Năm 2012, Đà Nẵng có 45.498 người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 109,4% kế hoạch; số trẻ được sàng lọc trước sinh là 900/710, đạt 126,7% kế hoạch; số trẻ được sàng lọc sơ sinh đạt 1.565/1.705, đạt 91,8% kế hoạch; tỷ số giới tính khi sinh là 104, đạt kế hoạch đề ra. |