Đề án 52 tại Hà Tĩnh: Vì mục tiêu giảm sinh bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Triển khai Đề án 52, cùng với những kết quả đạt được, Chi cục DS – KHHGĐ Hà Tĩnh đã vận động các địa phương thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sinh, giúp duy trì, ổn định dân số và hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh.

Vẫn “nóng” chuyện dân số

Tỉnh Hà Tĩnh có 5 huyện biển (Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân) được hưởng lợi từ Đề án 52. Mục tiêu đến hết năm nay, quy mô dân số các địa phương được triển khai không quá 673.450 người, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75% và vào năm 2020 là 697.770 người, 78% các cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ vào năm 2020.

Qua gần 7 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn xảy ra. Tại huyện Lộc Hà, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở xã Thạch Kim luôn có dấu hiệu tăng và cao hơn nhiều xã trong huyện. Từ năm 2011 đến nay, xã luôn đứng đầu tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và mức giảm không đáng kể. Ngoài ra, ở một số xã, tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn huyện: Hồng Lộc 41%, Bình Lộc 34%, Mai Phụ 33,3%… Nguyên nhân do đặc thù về văn hóa, tôn giáo, 40% dân số trong xã là giáo dân, thường xuyên lao động trên biển, việc tuyên truyền gặp khó khăn về thời gian, tâm lý. Việc này ảnh hưởng lớn tới kết quả tuyên truyền Đề án.

Theo Chi cục DS – KHHGĐ Hà Tĩnh, do lao động trên biển vất vả, thời gian bám biển dài ngày, và ảnh hưởng của tư tưởng tôn giáo, đa số các đối tượng được tuyên truyền đều mong muốn con trai nối dõi để có thể tham gia những công việc nặng nhọc. Việc tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên gặp không ít khó khăn.

Tỷ lệ lớn phụ nữ ở ven biển Hà Tĩnh tham gia vào hoạt động thủy sản – Ảnh: Quang Quyết

Thừa nhận những khó khăn trên, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Lộc Hà cũng khẳng định: Nhắc đến hoạt động KHHGĐ, các đối tượng rất e ngại. Thậm chí, đối tượng còn né tránh, hoặc không tham gia nhiệt tình các hoạt động trong công tác dân số. Nhiều đối tượng đã biết nhưng do thói quen tập quán, công việc và tâm lý muốn có con trai, vẫn chấp nhận sinh con trai bằng mọi cách. Trong khi việc tuyên truyền tại địa phương vốn gặp khó do đội ngũ cán bộ cơ sở còn ít, chưa có chế độ đặc thù cho họ. Xã bãi ngang Thạch Kim, khi tuyên truyền, cán bộ phải chọn thời điểm giáp Tết âm lịch để gặp được đông đảo chị em, vì đó là lúc họ nhàn rỗi nhất.

 

Cùng vào cuộc

Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đang đẩy mạnh các giải pháp để đạt mục tiêu giảm sinh trong thời gian tới. Chi cục chỉ đạo Trung tâm Dân số huyện Lộc Hà và các huyện khác tập trung các hoạt động truyền thông giáo dục, hoàn thành chiến dịch “Truyền thông vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tới vùng đông dân, vùng khó khăn, có mức sinh cao”. Trong hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính và gia tăng dân số, Chi cục chỉ đạo việc triển khai tại các cơ sở, địa phương cần kết hợp hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, đồng thời tập trung nhiều lực lượng cùng tham gia. Cùng đó, đẩy mạnh thực hiện các đề án đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển…

Từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ thực hiện các giải pháp đối với các xã, huyện có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao, đặc biệt tại huyện Lộc Hà, giúp địa phương thực hiện công tác DS – KHHGĐ đạt kết quả bền vững. Cùng đó, tăng cường phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi người dân. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về dân số. Nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý… Nhìn chung, ngành Y tế phải có nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo để nâng cao chất lượng dịch vụ, điều kiện chăm sóc SKSS nói riêng và KHHGĐ cho người dân vùng biển, đồng thời, thông tin tuyên truyền cho người dân hiểu và có hành vi tích cực.       

>> Mục tiêu Đề án 52 đề ra, đưa tỷ lệ người làm việc và người dân sinh sống trên đảo, ven biển được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chăm sóc SKSS/KHHGĐ đạt 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!