Đề án 52 tại Kiên Giang: Phát huy thế mạnh cơ sở

Chưa có đánh giá về bài viết

Tiếp nối những kết quả thực hiện trong năm 2012, năm 2013 Đề án 52 tại Kiên Giang tiếp tục được triển khai rộng tại các địa phương ven biển, góp phần cải thiện sức khỏe người dân.

Khi biển là lợi thế…

Kiên Giang có 200 km bờ biển, với ngư trường khai thác thủy sản  63.290 km2. Vùng biển có hàng trăm đảo; trong đó, 43 đảo có người ở; nhiều cửa sông, kênh rạch đổ ra biển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho các loài hải sản cư trú và sinh sản.

Khai thác thủy hải sản là thế mạnh của Kiên Giang – Ảnh: Huy Hùng

Với tiềm năng biển, nuôi trồng thủy sản (NTTS) được tận dụng tối đa diện tích. Theo Chi cục NTTS tỉnh, đến cuối tháng 10/2013, diện tích NTTS toàn tỉnh đạt 154.419 ha (92,33% kế hoạch); sản lượng thu hoạch 119.011 tấn, đạt 77,49% kế hoạch, bằng 116,06% so cùng kỳ năm ngoái. Tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh 87.988 ha/87.690 ha, đạt 100,34% kế hoạch; sản lượng 32.561 tấn, đạt 69,28% kế hoạch, bằng 99,92% so cùng kỳ năm ngoái. Ước sản lượng thu hoạch năm 2013 đạt 42.000 tấn, bằng 89,36% kế hoạch. Diện tích thả nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 1.410 ha (diện tích nuôi TTCT 1.130 ha) đạt 70,48% kế hoạch, bằng 103,95%; sản lượng 9.143 tấn (sản lượng TTCT 8.578 tấn), đạt 43,54% kế hoạch và bằng 91,67% so cùng kỳ năm 2012. Diện tích nuôi tôm – lúa 69.586 ha, đạt 101,02% kế hoạch; sản lượng 21.003 tấn, đạt 96,34% kế hoạch, bằng 108,18% so cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến 16.992 ha, đạt 101,08% kế hoạch, tăng 1,03%; sản lượng 2.415 tấn, đạt 57,5% kế hoạch và bằng 75,52% so cùng kỳ.

 

Hướng tới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Bà Trần Thị Ngọc Trân, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Kiên Giang cho biết: Qua 6 tháng thực hiện, mô hình đã phối hợp tư vấn kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho hàng trăm lượt người lao động trực tiếp trên biển. Tổ chức nói chuyện chuyên đề 28 cuộc với 840 người dự, tư vấn 32 cuộc dành cho cụm dân cư với 485 người, tại hộ gia đình cho 379 hộ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ và trực tiếp cho 350 đối tượng tại điểm tư vấn.

Tập huấn cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến huyện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở Kiên Giang – Ảnh: Tuấn Nghĩa

Với đặc thù trình độ dân trí còn thấp, thời gian làm việc liên tục, dài ngày tại các vùng đảo, ngoài khơi xa, nên Chi cục đã kết hợp thời gian vận động tuyên truyền cho từng địa phương trong những ngày ngư dân vào bờ. Cùng cán bộ xã, phường, Chi cục còn kết hợp Đồn biên phòng 742 An Sơn, tư vấn trực tiếp cho nam giới lao động dài ngày trên biển trên các phương tiện đánh bắt thường xuyên ra vào bến bãi thuộc các trạm kiểm soát Biên phòng Bãi trệt, Hòn Ngang, Đội vận động quần chúng đồn Biên phòng 742; phối hợp Trung tâm chăm sóc SKSS thuộc Trung tâm Y tế huyện, khám thai, phụ khoa, phát hiện kịp thời các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản cho hơn 200 người và tầm soát ung thư cổ tử cung cho 65 phụ nữ.

Tại các địa bàn kết hợp trạm xá quân y, tổ y tế đồn Biên Phòng tổ chức tuyên truyền cho ngư dân địa phương và nơi khác đến khai thác đánh bắt thủy sản trên vùng biển Kiên Giang với phương châm “đến tận nhà, lên tới ghe, vào tới cảng”. Những hoạt động này được tổ chức 1 lần/tháng hoặc kết hợp những đợt tuyên truyền của đồn biên phòng ban DS – KHHGĐ lồng ghép nội dung tuyên truyền về DS – KHHGĐ/SKSS. Tổ chức phát tờ bướm, phát thanh trên loa của Đồn biên phòng, vận động ngư phủ đi xét nghiệm HIV và tuyên truyền phòng tránh bệnh.

 

Nhiều hoạt động thiết thực

Đề án 52 thực hiện tại thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố ven biển. Chi cục đã chọn điều kiện phù hợp từng địa phương. Công tác nâng cao chất lượng dân số khi sinh với những hoạt động: tổ chức hội thi kiến thức và kỹ năng tuyên truyền chính sách DS – KHHGĐ được thực hiện tại TP Rạch Giá; Đồng thời, gắn với các đợt cung cấp dịch vụ, sinh hoạt tổ nhóm hội, đoàn thể phối hợp lồng ghép tổ chức hoạt động truyền thông, tư vấn trực tiếp tại các điểm triển khai cung cấp dịch vụ của đội lưu động trên 1.000 lượt người; tư vấn tại hộ gia đình, nơi làm việc và tập kết của ngư dân, khu dân cư gần 40 cuộc; cộng tác viên thăm và tư vấn tại hộ gia đình trên 700 lượt; Số đối tượng được tư vấn khi được cung cấp dịch vụ trên 600 lượt người. Sản xuất nhân bản sản phẩm truyền thông (tờ rơi, áp phích): 3.660 tờ.

Một ngư dân Rạch Giá cho biết: Đề án đã góp phần rất lớn vào việc nâng dần nhận thức của cộng đồng cư dân các huyện, xã đảo, xã ven biển và từng bước nâng cao sức khỏe người dân. Những mô hình, nhân tố tích cực mang lại hiệu quả cao trong cộng đồng là nền tảng vững chắc, giúp địa phương duy trì và nhân rộng các hoạt động này.

Tuy nhiên, công tác DS – KHHGĐ tại đây vẫn còn không ít khó khăn, như: Hệ thống y tế biển, đảo, ven biển chỉ đáp ứng cơ bản công tác trên đất liền, số lượng cán bộ chuyên khoa còn thiếu, đời sống cán bộ nhân viên y tế cơ sở còn nhiều khó khăn… Địa phương mong muốn tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho ngành y tế huyện và xã mang tính chất đặc thù để có đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ tại chỗ khi không chuyển tuyến được. Có chính sách riêng cho việc thu hút cán bộ về công tác và cán bộ đang công tác tại huyện, xã đảo (các đảo xa ở mức cao gấp 3 – 5 lần so với đất liền).

>> Sáu tháng đầu năm, Chi cục DS – KHHĐ tỉnh đã trực tiếp tư vấn cho 300 nam, nữ trước kết hôn; tổ chức đội lưu động tư vấn, khám thai lấy mẫu máu thai phụ làm xét nghiệm sinh hóa trước sinh cho 2.391 phụ nữ có thai. Những tháng cuối năm, Chi cục sẽ bổ sung hoạt động tuyên truyền, lồng ghép dịch vụ cho 9 huyện, thị trấn ven biển.

Kim Phượng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!