Đề án 52 tại Nam Định: Đồng lòng mang đến thành công

Chưa có đánh giá về bài viết

Qua gần 4 năm thực hiện Đề án 52, đã ghi nhận những thành công đáng kể tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), trong việc nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống người dân.

Chiến lược cho thủy sản

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Nam Định đều có chính sách khuyến khích chuyển đổi diện tích cấy lúa, sản xuất muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nhiều huyện có diện tích chuyển đổi sang NTTS lớn như: Hải Hậu 887 ha, Giao Thủy 345 ha… Các hộ nuôi trong vùng chuyển đổi NTTS xây dựng hệ thống ao nuôi có ao chứa lắng để xử lý nước, ao ương giống, ao nuôi thương phẩm; hệ thống ao được quy hoạch chi tiết. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, hệ thống ao nuôi được giao lại cho các hộ tổ chức nuôi.

Đã hình thành các vùng nuôi tập trung tại vùng nước lợ, với các đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Hải Hòa, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); vùng nuôi cua biển, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược và một số loài khác ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Vùng nuôi nước lợ như cá lóc bông ở Nghĩa Hưng, cá rô phi, diêu hồng ở Hải Châu (Hải Hậu)… Diện tích nuôi trồng toàn tỉnh tăng từ 14.224 ha (năm 2006) lên 15.782 (năm 2012); trong đó, nuôi mặn lợ 6.157 ha, nước ngọt 9.625 ha. Sản lượng NTTS năm 2012 đạt hơn 53.000 tấn.

Ngư dân xã Hải Lý khai thác thủy sản ven bờ – Ảnh: Huy Hùng

Để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh đã chỉ đạo phát triển đồng bộ nuôi trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng ưu tiên phát triển NTTS bền vững, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Chuyển đổi sang NTTS theo quy hoạch, tránh nuôi tràn lan, nhỏ lẻ phá vỡ quy hoạch. Đẩy mạnh phát triển NTTS theo hướng trang trại, gia trại. Tăng cường khuyến ngư, áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn VietGAP…

 

Những cách làm hiệu quả

Từ năm 2009, Đề án 52 được triển khai thực hiện tại 6 xã, thị trấn ven biển huyện Hải Hậu gồm: Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều, Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện đã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao chất lượng dân số; Tổ chức ký hợp đồng với Đài phát thanh huyện hằng tuần mở chuyên mục tuyên truyền về Đề án; Đồng thời, phối hợp với đài truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên thông tin công tác dân số. Trung tâm DS – KHHGĐ huyện còn tổ chức biên soạn các tài liệu tuyên truyền thực hiện sàng lọc trước sinh, sơ sinh; phối hợp Hội Phụ nữ 6 xã, thị trấn ven biển tuyên truyền tại 89/89 xóm, tổ dân phố; đội ngũ CTV dân số cấp phát 6.840 tờ tài liệu tuyên truyền về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, làm mẹ an toàn và phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Trong khuôn khổ Đề án, Trạm Y tế 6 xã, thị trấn ven biển khám thai định kỳ cho hơn 3.000 lượt phụ nữ; điều tra, phân loại, lập danh sách 640 phụ nữ mang thai có nguy cơ cao để theo dõi, góp phần tích cực quản lý thai nghén tại địa phương. Công tác tuyên truyền và tư vấn cho nam, nữ vị thành niên, thanh niên trên được đẩy mạnh, tập trung vào việc trang bị những kiến thức cơ bản về tâm sinh lý, tình dục lành mạnh, an toàn, chăm sóc SKSS, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục; những tháng đầu năm 2013 đã tổ chức được 1 buổi tư vấn cho hơn 100 vị thành niên, thanh niên tại xã Hải Hòa.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định cung cấp tài liệu tuyên truyền trong Câu lạc bộ “Phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”

 Những hoạt động thiết thực trên đã góp phần nâng cao kiến thức và ý thức về chăm sóc SKSS, nâng cao chất lượng dân số khi sinh. Bên cạnh đó, Trung tâm DS – KHHGĐ huyện còn phối hợp với Đồn Biên phòng Văn Lý, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh triển khai mô hình “Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác DS – KHHGĐ”. Hai đồn Biên phòng phối hợp với Ban DS – KHHGĐ 6 xã, thị trấn tuyên truyền vận động được 2.450 cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ ký cam kết không sinh con thứ ba trở lên và thực hiện nghiêm Luật Bình đẳng giới; cấp phát trên 2.000 tờ tuyên truyền công tác DS – KHHGĐ cho ngư dân trên biển; phối hợp Hội Phụ nữ huyện hướng dẫn cơ sở tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Hội Phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề chăm sóc SKSS/KHHGĐ, thu hút đông đảo hội viên trong tuổi sinh đẻ tham gia; phân công hội viên giúp đỡ, động viên, thăm hỏi những chị em thực hiện KHHGĐ. Mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên được triển khai hiệu quả.

Đề án 52 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về công tác dân số. Người dân vùng biển Hải Hậu đã được hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đồng bộ và hiệu quả. Số người tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, mức sinh giảm và chất lượng dân số được cải thiện đáng kể. Sáu tháng đầu năm 2013, số trẻ sinh ra của huyện giảm 365 cháu so cùng kỳ năm 2012.

Để Đề án phát huy hiệu quả hơn nữa, Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh đề nghị trung ương, tỉnh bố trí kinh phí ngay từ đầu năm để lập kế hoạch triển khai hoạt động sát yêu cầu thực tế địa phương; có chương trình dạy nghề cho phụ nữ vùng biển để họ có thu nhập; đáp ứng đủ dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có chế độ đặc thù về BHXH, BHYT cho cán bộ dân số thực hiện nhiệm vụ của Đề án, vì hiện nay mức hỗ trợ 100 nghìn đồng/người/năm là quá thấp. Bên cạnh đó, cần mở rộng thêm số xã thực hiện Đề án, sớm ổn định tổ chức bộ máy ngành dân số và có chế độ thỏa đáng đối với đội ngũ làm công tác DS – KHHGĐ ở các xã ven biển.

>> Sáu tháng đầu năm 2013, toàn huyện đã có 1.204 lượt phụ nữ trong tuổi sinh đẻ được khám, chữa bệnh phụ khoa; 1.204 lượt người được tư vấn về chăm sóc SKSS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; 3.900 lượt người được cung cấp các biện pháp tránh thai.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!