Đề án 52 tại Nghệ An: Góp phần hoàn thành mục tiêu dân số toàn tỉnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án 52 góp phần từng bước làm thay đổi nhận thức của đông đảo cư dân vùng biển, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thách thức lớn

Vùng biển và ven biển Nghệ An có chiều dài 82km, diện tích 1.386km2, dân số 1.195.000 người chiếm 39% dân số cả tỉnh, diện tích vùng biển trên thềm lục địa 4.239 hải lý vuông. Không chỉ giàu về tài nguyên biển và nhiều tiềm năng phát triển du lịch, vùng biển Nghệ An còn có lực lượng lao động khá dồi dào (hơn 86.000 người) đang là nguồn nhân lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhận thức tầm quan trọng đó, một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược của tỉnh được đề ra là giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển, đảo và ven biển.

Tuy nhiên, trên chặng đường hướng tới việc nâng cao chất lượng dân số vùng biển, tỉnh Nghệ An còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại các xã vùng biển, ven biển cao hơn so với bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh một cách bất thường. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại đạt thấp. Tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản cao. Cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn yếu và thiếu. Hàng năm số dân nhập cư từ các vùng miền khác tới địa bàn ven biển làm ăn và sinh sống rất lớn gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu cũng như công tác chăm sóc SKBM-TE/KHHGĐ. Nhận thức của ngư dân về Chính sách DS-KHHGĐ cũng như các điều kiện để tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa được cải thiện đáng kể. Vì vậy, việc triển khai Đề án 52 như một luồng sinh khí mới.

 

Thành quả thu nhận

Qua 2 năm triển khai, Đề án 52 đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng dân số vùng biển của tỉnh. Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện, thành, thị đã phối hợp với Trung tâm Y tế thành lập năm đội lưu động cung cấp dịch vụ tại các huyện trong 2 năm thực hiện được 98 lượt cung cấp dịch vụ tại 39 xã. Tổng số đối tượng được tiếp cận truyền thông, tư vấn về các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ là 75.243 người. Khám phụ khoa cho 64.440 người, trong đó phát hiện 56.062 (chiếm 87%) và điều trị cho 17.841 người mắc bệnh phụ khoa. Đã có hơn 1.238 thanh niên chuẩn bị kết hôn được khám sức khỏe, 2.000 bà mẹ mang thai được thăm khám thai, siêu âm chẩn đoán sức khỏe bào thai và được cấp viên sắt, kịp thời phát hiện 45 bà mẹ mang thai có nguy cơ cao. Các hoạt động khám phụ khoa, siêu âm, soi tươi, điều trị phụ khoa cho phụ nữ  15 – 49 tuổi…

Đặc biệt, có được kết quả này phải kể đến công tác truyền thông. Các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các hoạt động truyền thông trực tiếp dưới nhiều hình thức được triển khai thường xuyên. Nhiều ấn phẩm truyền thông của Trung ươngg và địa phương được cung cấp tới tận người dân. Chi cục DS-KHHGĐ đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức cuộc thi tìm hiểu về kiến thức chăm sóc sức khỏa cho vị thành niên và thanh niên trong các trường PTTH của các huyện, thành thị ven biển.

Thông qua hoạt động này, các học sinh trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên có điều kiện tìm hiểu sâu các kiến thức cơ bản về CSSK, các kiến thức về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong đó có cả HIV/AIDS. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ với chủ đề “Công dân biển, sức khỏe biển”, “Những người con của biển”, “Công dân biển hưởng ứng Đề án 52”… thực sự là những hoạt động sinh hoạt bổ ích có tính tuyên truyền cao và được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Đội lưu động Y tế – Dân số KHHGĐ tỉnh Nghệ An tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho ngư dân vùng biển

 

Giải pháp cần thực hiện

Nhiệm vụ đặt ra cho ngành dân số tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông vận động và nâng cao nhận thức cho người dân về công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ, điều quan trọng là phải tháo bỏ rào cản tâm lý của người dân vùng biển, tư tưởng sinh con trai, để làm được điều này cần phải thường xuyên, liên tục và kiên trì với nhiều nội dung hình thức hấp dẫn phù hợp với các nhóm đối tượng, phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể… Trong đó, cần chú trọng đầu tư xây dựng và nhân rộng các mô hình tuyên truyền. Tăng cường các hoạt động tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ có chất lượng. Huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác dân số vùng biển.

Triển khai tốt Đề án 52 sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu công tác DS-KHHGĐ của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới.

>> Kết quả công tác DS-KHHGĐ tỉnh Nghệ An trong thời gian qua: Tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm nhanh, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các BPTT hiện đại ngày càng cao, góp phần giảm tỷ lệ phát triển dân số xuống ở mức xấp xỉ 1,1%.

Giang Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!