Đề án 52 tại Ninh Bình: Kiểm soát dân số vùng biển Kim Sơn

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2009, Kim Sơn là huyện duy nhất của tỉnh Ninh Bình được chọn triển khai Đề án 52. Sau hơn 4 năm triển khai, Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức, hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, bước đầu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển.

Vùng trọng điểm phát triển kinh tế biển

Kim Sơn, với chiều dài bờ biển gần 15km, gồm 3 xã bãi ngang Kim Trung, Kim Ðông, Kim Hải. Nếu như trước đây, mô hình khai hoang của vùng biển Kim Sơn là quai đê – cói – lúa thì bây giờ là quai đê – nuôi trồng thủy sản; với 3 phương thức: nuôi tôm theo hướng công nghiệp; quảng canh và nuôi cá rô phi đơn tính và nuôi tôm sú với mật độ thả 3 – 5 con/m2 cùng nuôi cá mú, cá vược. Những mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả và tạo thu nhập cho người dân. Huyện Kim Sơn cũng được xác định là vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh Ninh Bình, với diện tích 14.040 ha giai đoạn 2011 – 2015 và 17.050 ha (năm 2020). Tổng sản lượng thủy sản đạt tương đương 51.400 tấn đến gần 69.000 tấn. Giá trị sản xuất mặt hàng này ở mức 1.100 tỷ đồng đến hơn 1.900 tỷ đồng, chiếm 18% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

 

Thay đổi nhận thức người dân

Kim Sơn là huyện có nhiều khó khăn trong công tác DS – KHHGĐ; nhận thức của người dân vùng giáo, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ còn in sâu trong tiềm thức người dân. Cùng đó, do đặc thù công việc của người dân các xã vùng biển (luôn tiếp xúc môi trường có độ ẩm cao, thiếu nước ngọt) nên nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường tình dục cao; nhu cầu sinh con, nhất là con trai lớn… Với địa bàn rộng gồm 27 xã, thị trấn, trong đó phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi) 27.907 người, chiếm 18% dân số toàn huyện, với trên 45% dân số theo đạo Thiên chúa, người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản…

Ở Kim Sơn, nuôi trồng thủy sản vẫn là nghề chính –  Ảnh: CTV

Thực hiện Đề án 52 giai đoạn 1 (2009 – 2015), huyện Kim Sơn tập trung triển khai tại 15 xã trọng điểm, ven biển, sau đó sẽ triển khai tiếp ở 12 xã, thị trấn còn lại. Theo đó, huyện đã đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức: vận động tại gia đình, tuyên truyền qua các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS, qua hệ thống băng đĩa, phim ảnh; tổ chức tư vấn nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề dân số, SKSS/KHHGĐ. Đặc biệt, việc thành lập câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, “Không có người sinh con thứ 3 trở lên”, “Nam nông dân với 6 chuẩn mực”… thu hút đông đảo người dân tham gia, nhất là nam giới, mang lại hiệu quả thiết thực. Các buổi tuyên truyền về dân số được chị em tham dự đông đủ. Được tham gia sinh hoạt, nhiều người đã xóa bỏ ngại ngần, thẳng thắn chia sẻ vướng mắc trong việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức các đội dịch vụ lưu động đến các xã vùng biển, thực hiện hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ siêu âm, khám phụ khoa, tư vấn SKSS; phối hợp với trạm y tế các xã, khám và điều trị miễn phí bệnh phụ khoa thông thường.

 

Một điển hình tiên tiến

Tích cực tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia chăm sóc SKSS/KHHGĐ

Văn Hải là một trong 15 xã vùng biển, ven biển của Kim Sơn được tiếp nhận Đề án 52, với 2.055 phụ nữ trong độ tuổi 15 – 49, 1.422 phụ nữ 15 – 49 tuổi có chồng, tỷ lệ người dân theo đạo Thiên chúa cao (chiếm 84%), phong tục tập quán còn nặng nề, quan niệm sinh con phải có gái có trai hoặc đông con còn phổ biến; tỷ lệ nạo phá thai còn cao; trong khi đó, sự tiếp cận của các cặp vợ chồng với dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc SKSS chất lượng cao còn hạn chế… Qua thời gian triển khai thực hiện Đề án, công tác dân số ở địa phương đã có chuyển biến tích cực: tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên giảm rõ rệt; số lượng đối tượng áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, không có cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên. Năm 2012, tỷ suất sinh thô của xã 21,5‰ (giảm 0,2‰ so năm 2011); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 19,2%… Tỷ suất sinh thô 5 tháng đầu năm 2013 đạt 18,9‰, giảm 2,6‰ so cùng kỳ năm trước; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 18,2%, giảm 1%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 75,6%, tăng 2,3%.

 

Vẫn cần giải pháp khắc phục

Bà Trần Thị Lệ Dung, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Kim Sơn chia sẻ: Nhờ có Đề án 52 nên người dân các xã vùng biển, ven biển của huyện đã được cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ KHHGĐ, góp phần nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác dân số. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án vẫn còn nhiều khó khăn: kinh phí giải ngân muộn; cơ sở vật chất, trang thiết bị và mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm SKSS/KHHGĐ ở cấp xã còn yếu và thiếu, chưa phù hợp đặc điểm môi trường, khí hậu biển; địa bàn dân cư vùng biển rất rộng, khoảng cách giữa các hộ xa nhau, giao thông không thuận tiện rất khó khăn cho việc đi lại và tuyên truyền; công tác chăm sóc SKSS, sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ cũng như vấn đề nâng cao hiểu biết cho người dân mưu sinh bằng nghề biển vẫn gặp không ít trở ngại vì việc thay đổi nếp nghĩ và phong tục tập quán sinh hoạt của họ không thể một sớm một chiều. Do đó, để kiểm soát tốt dân số vùng biển và ven biển, bên cạnh sự hỗ trợ của Đề án 52, cần có sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là đầu tư thêm nguồn lực, kinh phí để tăng cường trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là có chế độ thỏa đáng cho đội ngũ làm công tác dân số cơ sở để họ yên tâm gắn bó với nghề.

>> Sau hơn 4 năm triển khai Đề án, toàn huyện Kim Sơn đã có 8.000 người tham gia các buổi tư vấn về giới tính, SKSS; soi tươi cho gần 600 phụ nữ; khám phụ khoa cho gần 20.000 người, cấp thuốc điều trị cho trên 10.000 phụ nữ viêm nhiễm đường sinh sản. Đã tổ chức khám dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở 27 xã, thị trấn, cấp viên sắt khám thai cho trên 3.000 bà mẹ mang thai.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!