Tri Hải là xã điểm thực hiện đề án Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển huyện Ninh Hải. Những năm qua, công tác tuyên truyền DS – KHHGĐ luôn được địa phương chú trọng, đẩy mạnh. Nhờ đó, nhận thức của người dân về nâng cao chất lượng dân số được cải thiện, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Trung tâm du lịch và nuôi trồng thủy sản
Huyện Ninh Hải hiện có 971 tàu thuyền, tổng công suất 42.955 CV, riêng tàu công suất trên 90 CV gần 120 chiếc, được trang bị máy móc hiện đại thuận lợi đánh bắt xa bờ. Đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá như cảng cá Ninh Chữ, bến cá Mỹ Tân đang được tập trung đầu tư. Ninh Hải đã phát triển ổn định 500 ha nuôi thủy sản, với 126 cơ sở sản xuất tôm giống, cùng đó là các mô hình nuôi ốc hương, trồng rong sụn, chế biến hải sản… tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Sản xuất tôm giống là một trong những thế mạnh được đầu tư phát triển tại huyện Ninh Hải
Định hướng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, Ninh Hải sẽ đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông, tạo kết nối giữa các khu du lịch với các trục quốc lộ, nhất là tuyến đường ven biển Bình Tiên – Ninh Chữ. Về thủy sản, sẽ phát triển trên mọi lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần gắn với du lịch biển và công nghiệp chế biến xuất khẩu, nâng tổng diện tích nuôi trồng lên 1.500 ha. Ngoài việc hình thành các vùng tập trung sản xuất tôm giống sản lượng ước đạt 8 tỷ con và vùng nuôi tôm thịt cùng các loại hải sản giá trị kinh tế cao (cá mú, ốc hương…), Ninh Hải còn tăng cường khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ khai thác các loại hải sản lớn, giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi thủy sản.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Công tác dân số nơi đây ban đầu gặp không ít khó khăn, khi lực lượng cộng tác viên dân số còn mỏng, địa bàn rộng, kinh phí hạn hẹp…; cùng đó là tâm lý e ngại của người dân. Nhưng từ khi thực hiện Đề án 52, công tác dân số tại Tri Hải có chuyển biến tích cực, chất lượng dân số được cải thiện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng hoàn thiện và nâng cao.
Thực hiện chương trình DS – KHHGĐ thông qua triển khai Đề án 52, mô hình Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân…, xã Tri Hải đẩy mạnh công tác truyền thông; kiện toàn Ban DS – KHHGĐ; thành lập câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Tiền hôn nhân”. Toàn xã có 18 cộng tác viên dân số phân bố đều theo số dân tại mỗi thôn. Thông qua đội ngũ cộng tác viên, các phương tiện tránh thai đã đến từng cặp vợ chồng có nhu cầu; phụ nữ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS (như khám, điều trị phụ khoa, xét nghiệm viêm gan B, tầm soát paps, khám trước sinh và sau sinh, tiêm phòng…). Đồng thời, tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ phụ nữ lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em về ích lợi việc sinh ít con để nuôi dạy cho tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Cộng tác viên dân số tư vấn chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ
Bên cạnh đó, Ban DS – KHHGĐ xã còn lồng ghép các cuộc nói chuyện nhóm và nói chuyện chuyên đề tại hội nghị; truyền thông bằng loa phát thanh đặt ở các bến tàu thuyền, khu vực dân cư nuôi trồng thủy sản giúp người dân tiếp nhận những kiến thức về SKSS/KHHGĐ, làm mẹ an toàn; vai trò của nam giới trong thực hiện KHHGĐ bằng cách sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn; vấn đề giới tính khi sinh và các hoạt động đặc thù vùng biển.
Nhiều tín hiệu vui
Chị Nguyễn Thị Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban DS – KHHGĐ Tri Hải cho biết, mặc dù quan niệm sinh đông con trong xã vẫn còn, nhưng bằng những hoạt động nhiệt tình của các cộng tác viên dân số trong công tác tuyên truyền, vận động, đã có tác dụng tích cực làm chuyển biến nhận thức của hầu hết những cặp vợ chồng trẻ về sinh đẻ có kế hoạch, nhiều người có ý thức rõ ràng về việc sinh ít con sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cũng như kinh tế cho gia đình. Nhờ đó, những năm gần đây tỷ lệ sinh con thứ 3 và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã đã giảm, các cặp vợ chồng có điều kiện làm ăn và chăm sóc con tốt hơn.
Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Ninh Thuận – Trương Văn Thọ cho biết thêm, Đề án 52 được triển khai đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ; phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn… Mặt khác, các dịch vụ y tế được triển khai kịp thời đến tận cơ sở như: tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trước khi mang thai, kiểm tra sức khỏe phát hiện các yếu tố có nguy cơ cho phụ nữ trước khi mang thai thông qua xét nghiệm HBsAg cho hàng nghìn lượt chị em. Nhờ vậy, năm nào số cặp vợ chồng thực hiện 4 biện pháp tránh thai hiện đại cũng đạt và vượt chỉ tiêu.
>> Hiện, toàn xã Tri Hải chỉ có 22 cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi) sinh con thứ ba trở lên; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm còn 1,6%. Từ đầu năm 2013 đến nay, toàn xã có 1.120 lượt người áp dụng các biện pháp tránh thai; 100% phụ nữ mang thai được khám thai định kỳ… |