Là một trong 28 tỉnh triển khai thực hiện, Đề án 52 tại Phú Yên đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít khó khăn. Nhìn lại chặng đường đã qua, Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Dững, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Phú Yên (ảnh).
Ông có thể chia sẻ thành quả nổi bật của Đề án 52 trong năm 2013?
Năm 2013, Đề án đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc SKSS bà mẹ, trẻ em và KHHGĐ. Theo đó, toàn tỉnh có 9 máy siêu âm xách tay đen trắng, 1 máy siêu âm màu 3D; Trong đó, Tổng cục DS – KHHGĐ cấp 9 máy (cấp cho đội lưu động y tế – KHHGĐ 3 huyện vùng biển: thị xã Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An). Các đội lưu động đã đã tư vấn được 55.055 lượt người về CSSK bà mẹ trẻ em/KHHGĐ. 5.925 lượt bà mẹ mang thai được khám, 18.657 lượt khám bệnh phụ khoa; trong đó, 7.382 lượt phát hiện bệnh và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản; số người thực hiện các biện pháp tránh thai 30.473. Đã hỗ trợ siêu âm phụ khoa cho 1.291 trường hợp, phát hiện 14 trường hợp u nang buồng trứng chuyển tuyến trên điều trị. Triển khai thực hiện mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại các âu thuyền, cảng cá để truyền thông và cung cấp bao cao su cho ngư dân trên các tàu thuyền đánh bắt xa bờ trước khi xuất bến. Chi cục phối hợp với Trung tâm chăm sóc SKSS tỉnh; Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã truyền thông, khám, siêu âm chẩn đoán, sàng lọc trước sinh cho 1.617 phụ nữ mang thai…
Về sàng lọc sơ sinh, năm 2013 thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố thuộc Đề án 1.377 ca. Trong đó, số ca nghi ngờ thiểu năng giáp 37 ca; số ca nghi ngờ thiếu men G6PD 19 ca.
Về hoạt động thông tin, tuyên truyền, năm 2013, Chi cục tiếp tục thực hiện các hoạt động phối hợp tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông DS – KHHGĐ vùng biển đảo với các ban ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng. Đặc biệt, nhận thấy nam giới vùng biển ít được tham gia các đợt tuyên truyền về DS/SKSS/KHHGĐ nên Bộ đội Biên phòng đã triển khai mô hình lồng ghép tuyên truyền DS/SKSS/KHHGĐ vào các tổ tàu thuyền an toàn. Kết quả bước đầu đã thu hút được nam giới vùng biển tham gia tích cực hơn. Các đội lưu động đã phối hợp với các đội thông tin lưu động của huyện, thị xã, thành phố chuyển các thông điệp SKSS/KHHGĐ đến người dân vùng biển bằng hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo người dân trong các đợt truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ bà mẹ trẻ em tại địa phương.
Qua quá trình triển khai, Đề án đã gặp những trở ngại lớn nào, thưa ông?
Tuy cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, nhưng vẫn còn đó những khó khăn nhất định như: cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến cơ sở còn hạn chế, chưa tổ chức đáp ứng và cung cấp dịch vụ thưòng xuyên và có chất lượng. Tâm lý, tập quán nhận thức của người dân vùng biển còn hạn chế (bắt buộc phải sinh nhiều con trai để có lao động đi biển)…; Công tác tuyên truyền vận động ít nhiều còn hạn chế, chưa có chiều sâu và đổi mới phương thức. Phần mềm thông tin điện tử vẫn còn bị một số lỗi chưa khắc phục hết. Cán bộ kỹ thuật đội lưu động y tế – KHHGĐ thì thiếu bác sĩ và xét nghiệm viên. Đội ngũ cán bộ DS – KHHGĐ xã, phường chưa thực hiện Thông tư 05 BYT/TT, vì vậy, vẫn còn hưởng chế độ phụ cấp theo Nghị định 92 và kiêm nhiệm cả ba lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em nên công việc thường xuyên bị trùng chéo, khó quản lý…
Tỉnh Phú Yên đẩy mạnh công tác truyền thông DS – KHHGĐ – Ảnh: CTV
Mất cân bằng giới tính khi sinh và tỷ số giới tính khi sinh còn khá cao, Phú Yên đã triển khai có những giải pháp nào nhằm tháo gỡ vấn đề này, thưa ông?
Để giảm thiểu và hạn chế vấn đề trên, Chi cục đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục; trong đó, tập trung vào việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số tại các khu dân cư; thành lập đội lưu động y tế – KHHGĐ tại các địa phương ven biển (gồm huyện Đông Hòa, huyện Tuy An, thành phố Tuy Hòa và thị xã Sông Cầu). Mục đích, tư vấn các dịch vụ phòng tránh thai an toàn cho ngư dân; phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hội Nông dân tham gia truyền thông về DS – KHHGĐ; tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mở các chuyên mục, chuyên trang dân số vùng biển… Đối tượng được Ban quản lý Đề án 52 tại Phú Yên rất quan tâm trong công tác truyền thông là vị thành niên và thanh niên. Năm 2013, tỉnh đã tổ chức 240 buổi sinh hoạt nhóm cho các đối tượng trên về SKSS, sức khỏe tình dục tại các vùng ven biển; tư vấn cho 1.200 thành viên câu lạc bộ về các nội dung chăm sóc SKSS, sàng lọc sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh…
Cùng đó, trong quá trình thực hiện Đề án, nhiều mô hình, sáng kiến mới mang lại hiệu quả cao. Đó là các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được hình thành trực tiếp tại những cảng biển hoặc nơi người đi biển xuất bến dài ngày, nơi cập bến. Công tác dân số được lồng ghép với các cuộc vận động lớn như xây dựng gia đình văn hóa, gia đình không sinh con thứ 3, xây dựng nông thôn mới…
Nhằm phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, nâng cao chất lượng dân số, hướng phát triển trong thời gian tới công tác DS – KHHGĐ của Phú Yên sẽ tập trung vào những nội dung chính nào, thưa ông?
Để thực hiện tốt Đề án, góp phần phát triển nguồn nhân lực vùng biển, đảo mà trước mắt là cải thiện đời sống con người, từng bước nâng cao chất lượng dân số, công tác DS – KHHGĐ cần thực hiện một số nhiệm vụ:
– Sản xuất các bộ phim khoa học về SKSS/KHHGĐ để hỗ trợ công tác truyền thông.
– Tăng nguồn lực cho các hoạt động của Đề án (Hoạt động ngày càng mở rộng, nguồn lực đầu tư ngày càng giảm).
– Tổ chức hội thảo sâu về các mô hình của Đề án đã được triển khai trong các năm qua và thực sự mang lại hiệu quả để các tỉnh trao đổi học tập kinh nghiệm.
– Tổng cục DS – KHHGĐ cần tham mưu Bộ Y tế sớm hướng dẫn mô hình tổ chức làm công tác DS – KHHGĐ các cấp trong đó có cấp xã; để thống nhất toàn quốc mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số cấp cơ sở, nhằm đáp ứng được yêu cầu mới của công tác dân số theo chiến lược DS – SKSS giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng đó, Phú Yên cũng ưu tiên cho các địa phương có mức sinh cao, có nhiều lao động nhập cư sống và làm việc tại các khu kinh tế biển, đảo và các xã hẻo lánh, xa xôi.
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Năm 2013, toàn tỉnh Phú Yên có 55.055 lượt người được tư vấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/KHHGĐ; 112 buổi sinh hoạt nhóm, CLB cho nhóm phụ nữ 15 – 49 tuổi; 18.657 ca được khám phụ khoa; 423 lần phát tin trên truyền thanh truyền hình về quản lý, chuyên môn thuộc Đề án 52 do cán bộ địa phương biên soạn… |