Bằng việc thực hiện Đề án 52 theo những cách thức riêng, đã mang lại nhiều kết quả trong công tác DS – KHHGĐ Tiền Giang. Năm 2016, địa phương tiếp tục đặt ra mục tiêu để người dân được hưởng lợi nhiều hơn.
Thực hiện đồng bộ
Đề án 52 được triển khai tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công, với các nội dung liên quan đến các gói dịch vụ KHHGĐ, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản; tập hợp lực lượng, vận động tuyên truyền sâu rộng, chăm sóc sức khỏe BMTE, SKSS; làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ nhỏ; phòng chống mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; bình đẳng giới…
Đề án thực hiện trên tất cả các hoạt động, thông tin tuyên truyền, chỉ riêng hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai; 1.499 bà mẹ mang thai được tư vấn, tổ chức 30 cuộc nói chuyện chuyện đề chăm sóc trước sinh và sau sinh với 694 người dự, tư vấn trực tiếp cho thai phụ 1.194 cuộc với 1.490 người. Năm 2015, đã có 2.504 ca được khám phụ khoa, 90 ca được làm phiến đồ âm đạo, 300 ca được xét nghiệm soi tươi, 1.411 ca được cấp và điều tri các bệnh phụ khoa. Số người được tư vấn về nhiễm khuẩn đường sinh sản là 1.817 người. Qua kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các yếu tố có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sự mang thai, sự phát triển và chất lượng của bào thai, số ca sàng lọc trước sinh 1.532 ca, tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 29,41%, đạt 147,05%.
Tuyên truyền DS – KHHGĐ, chăm sóc SKSS được nhiều địa phương ven biển đẩy mạnh – Ảnh: CTV
Đề án được đánh giá đã mang lại kết quả thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số. Một cán bộ dân số xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông cho biết: Đề án 52 triển khai đã được chị em nhiệt tình hưởng ứng, do địa phương còn rất nhiều những bất cập trong công tác dân số. Bởi xã Tân Thành có trên 30% dân cư sống bằng nghề đi biển, trong đó có cả phụ nữ, tỷ lệ hộ nghèo trên 6%.
Việc triển khai Đề án không chỉ đạt mục tiêu giảm sinh mà còn giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em, tình trạng nạo phá thai; từ đó, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tại vùng biển đảo và ven biển.
Giải quyết tồn đọng
Mong muốn của ngành dân số tỉnh Tiền Giang cũng là mong muốn chung của ngành dân số các địa phương; đó là có thêm chính sách an sinh xã hội, nghề nghiệp khác dành cho phụ nữ vùng biển, nhằm góp phần giải quyết tận gốc của vấn đề nam giới sống trên địa bàn thuộc Đề án 52 chỉ hoạt động bằng nghề đi biển để nuôi sống gia đình. Đồng thời, sớm cung cấp đầy đủ phương tiện tại Trạm Y tế các xã, đáp ứng đủ ngân sách thực hiện các nhiệm vụ của Đề án…
Năm 2016, Tiền Giang sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản; tập hợp lực lượng, vận động tuyên truyền sâu rộng, chăm sóc sức khỏe BMTE, SKSS; làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ nhỏ, chú trọng giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt là tại các xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao.
Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ Tiền Giang Nguyễn Thành Sang cho biết, trong năm tới, địa phương cần tập trung kiểm soát hiệu quả mức giảm sinh và tỷ số giới tính khi sinh của những địa phương chưa đạt yêu cầu. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội đối với các hoạt động của Đề án 52. Thí điểm và nhân rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả trên địa bàn thuộc Đề án… Đồng thời, duy trì các mô hình tư vấn qua kết hôn, tổ chức đêm văn nghệ đặc thù cùng sự hỗ trợ nhiều hơn về kinh phí để thực hiện có hiệu quả.
>> Trong năm 2015, Tiền Giang thực hiện tuyên truyền, phát thanh trên Đài Truyền thanh huyện, xã với 575 lần phát và 260 tin, bài với thời lượng 2.121 phút. Kết hợp truyền thông tư vấn trực tiếp tại cộng đồng của đội lưu động và cơ sở cung cấp dịch vụ là 45 lần với 963 người, cung cấp 7.855 tờ rơi tuyên truyền cho các đối tượng. |