Vĩnh Linh là một trong năm huyện của tỉnh Quảng Trị được triển khai Đề án 52. Hoạt động này giúp ổn định số lượng và nâng cao chất lượng dân số địa phương.
Lợi thế từ biển
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn chủ trương phát triển thủy sản theo hướng bền vững; trong đó, đa dạng các loại hình nuôi như nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến; nuôi ao hồ, mặt nước, lồng, bè, bể; nuôi kết hợp ruộng lúa… Quy hoạch vùng nuôi chi tiết, đảm bảo nước cấp và xử lý nước thải để môi trường sản xuất an toàn, bền vững.
Cùng đó, ngành thủy sản được tập trung thành ngành sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; trong đó, nuôi nước ngọt với việc tận dụng tiềm năng mặt nước sẵn có, phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống phục vụ nhu cầu tại chỗ, phát triển mạnh nuôi thủy sản nước lợ và mặn trên cơ sở hiệu quả và bền vững…
Nuôi thủy sản ở Vĩnh Linh, Quảng Trị – Ảnh: CTV
Riêng với Vĩnh Linh, một huyện ven biển của Quảng Trị, nơi có nhiều lợi thế về thủy sản, năm 2013, tổng sản lượng thủy sản của huyện đạt gần 3,6 ngàn tấn. Năm 2013, ngành khai thác có nhiều chuyển biến trong đầu tư phương tiện đánh bắt và chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp phù hợp ngư trường và mùa vụ. Ngư trường được mở rộng, các loại nghề khai thác mới được áp dụng, như: Nghề lồng bẫy ghẹ, rê cá chim trắng, rê chuồn… Năm 2014, huyện Vĩnh Linh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, huy động nguồn vốn để nâng cấp tàu thuyền, tăng thêm ngư lưới cụ và tìm kiếm đối tượng mới để khai thác nhằm mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. Tăng cường công tác tổ chức, quản lý cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Phấn đấu năm 2014, tổng sản lượng thủy, hải sản toàn huyện đạt 4.200 tấn, sản lượng thu mua, chế biến đạt 4.500 tấn.
Truyền thông toàn diện
Theo Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Vĩnh Linh, công tác truyền thông tại địa phương đến nay đã được triển khai đồng bộ, ổn định với mục đích đem lại cho người dân ven biển những thay đổi trong nhận thức, hành động. Trong năm 2013, Trung tâm đã phối hợp với phòng truyền thông Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh xây dựng và phát 4 phóng sự về công tác triển khai hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ; phát sóng trên hệ thống truyền thanh các xã 95 lần.
Để hoạt động truyền thông về tận thôn, xã, Trung tâm đã phối hợp với ban dân số các xã, thị trấn, đưa cán bộ chuyên trách tham mưu, phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, tổ chức 32 buổi tư vấn nói chuyện cộng đồng về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ 15 – 49 tuổi với 8.300 lượt người tham gia; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện phân công cán bộ tham gia cung cấp gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Huyện Vĩnh Linh chú trọng đẩy mạnh công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ – Ảnh: CTV
Nhận xét về hoạt động tuyên truyền tại huyện Vĩnh Linh, một cán bộ truyền thông tại xã Vĩnh Giang cho biết, việc tập huấn của cán bộ nên dựa theo tình hình từng thôn, xã, từng thời điểm. Để hoạt động tuyên truyền các xã đạt kết quả cao, nên kết hợp với trạm y tế, tiến hành khám kết hợp với hướng dẫn sử dụng dịch vụ.
Không sinh con thứ ba
Đề án 52 được triển khai từ năm 2009, tại 7 xã, 1 thị trấn của huyện Vĩnh Linh. Trong quá trình triển khai, Trung tâm DS – KHHGĐ đã chỉ đạo ban dân số các xã, thị trấn phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cộng tác viên các thôn, xã, tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân vùng biển, vùng ven biển và vùng cát.
Năm 2013, Trung tâm đã hướng dẫn, tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo, triển khai xây dựng mô hình điểm như: thôn Tây Ninh, xã Vĩnh Hiền, khóm Hải Hòa, thị trấn Hồ Xá và thôn Tân An, xã Vĩnh Giang. Trong quá trình vận động, Trung tâm kết hợp với cán bộ truyền thông các xã theo phương châm “vào từng nhà”, để hướng dẫn cho ngư dân chi tiết, cụ thể ý nghĩa, tác dụng của việc sinh ít con, kết hợp lồng ghép với những tờ rơi về nội dung trên. Cùng với tuyên truyền là việc vận động các cặp gia đình áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Nhờ đó, tỷ lệ chị em trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng ở các thôn được phát động trên 86%; tỷ lệ người chấp nhận biện pháp tránh thai trong toàn huyện đạt gần 80%; việc thực hiện chỉ tiêu hàng năm của huyện luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra; mô hình thôn không có người sinh con thứ ba trở lên được duy trì bền vững trong nhiều năm liền.
Bà Trương Thị Đào, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Vĩnh Linh cho biết, có thể nói, mô hình thôn không có người sinh con thứ ba trở lên đã tác động tích cực đến việc tiếp cận các dịch vụ chính sách SKSS/KHHGĐ. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 52, tác động tới tình hình dân số địa phương, góp phần không nhỏ vào duy trì số lượng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành
Năm 2014, Trung tâm tiếp tục triển khai kế hoạch truyền thông, kết hợp phát tờ rơi, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh phụ khoa, chăm sóc chị em trước và sau khi sinh…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Trung tâm mong muốn nhận được sự quan tâm của của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở; đồng thời, đầu tư thêm kinh phí cho các hoạt động của Đề án, đặc biệt là công tác truyền thông, cung cấp đầy đủ phương tiện truyền thông trên nhiều hình thức như tờ rơi, bảng hiệu treo… Đầu tư phương tiên đi lại lưu động và trang thiết bị y tế cho đội dịch vụ lưu động cấp huyện, tăng kinh phí điều trị bệnh phụ khoa cho ngư dân. Tại các thôn, xã, cần đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật cho các trạm y tế, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho cán bộ…
>> Quý IV/2013, số cặp vợ chồng mới sử dụng biện pháp tránh thai là 4.324 cặp, đang sử dụng biện pháp tránh thai là 11,155 cặp. Trong đó, đình sản nam, nữ là 428 người, đặt dụng cụ tránh thai cho 6.759 người, 1.786 được sử dụng bao cao su, 1.514 người uống viên thuốc tránh thai, tiêm thuốc tránh thai cho 122 người. |