Để cánh đồng mẫu lớn không còn là mẫu

Chưa có đánh giá về bài viết

Cánh đồng mẫu lớn hiện khá phổ biến trong lĩnh vực trồng trọt và hiệu quả thấy rõ, tuy nhiên việc thực hiện trong ngành tôm vẫn còn bỏ ngỏ dù được đánh giá là phù hợp với ngành tôm.

Xu thế tương lai

Theo ý kiến của các hộ nuôi tôm tại ĐBSCL: “Việc nuôi trồng nhỏ lẻ ngày càng ít hiệu quả vì phụ thuộc thương lái. Muốn tôm có giá thì phải bán cho nhà máy. Muốn bán cho nhà máy thì phải có sản lượng và chất lượng đồng đều, nhiều hộ cùng tham gia”.

Qua khảo sát, những nông trại nuôi tôm 3 – 5 ha trở lên thì khả năng thu hồi vốn cao hơn, những vùng tập trung được diện tích 500 – 100 ha thì nâng cao được giá trị con tôm nói chung và thu hút được các nhà máy.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng từng trao đổi với người viết rằng, thực hiện cánh đồng mẫu lớn trong ngành tôm là xu thế không thể đảo ngược, vì nó không chỉ phục vụ năng suất và sản lượng mà còn bảo vệ người nông dân khỏi tình trạng mất đất, vì người dân có thể nương dựa vào nhau để cùng tồn tại. Tuy vậy, theo giáo sư Võ Tòng, cái khó của cánh đồng mẫu lớn là ai đứng ra quản lý mô hình này? Hợp tác xã thì cần phải đổi mới nhiều mới thực hiện được, vì cánh đồng mẫu lớn đòi hỏi những người tham gia phải hiểu biết về nông nghiệp và trực tiếp tham gia sản xuất, tiêu thụ, chứ không chỉ làm dịch vụ.

Tham gia cánh đồng mẫu lớn, người nuôi tôm được nhiều lợi ích – Ảnh: Trần Út

 

Cần sự liên kết

Ông Dương Hùng, Giám đốc DNTN Tôm giống Dương Hùng – một người rất tâm huyết với cánh đồng mẫu lớn. Ông Hùng nói, trong một khu vực canh tác, nếu một vài gia đình không tham gia thì dự án làm cánh đồng mẫu lớn sẽ không thực hiện được. Trong khi đó, người nông dân quen “đèn nhà ai nấy rạng”, không thích làm chung chạ với nhau. “Nếu không quyết liệt và không có phương pháp thì không bao giờ làm được. Để tập hợp người dân, chúng tôi sẵn sàng đầu tư vốn, giống, thậm chí cam kết có lãi mới thu tiền con giống. Nông dân yên tâm đầu tư, hiệu quả lớn”, ông Hùng kể.

Kinh nghiệm của doanh nghiệp Dương Hùng cho thấy, nếu các “nhà” cùng hợp tác với nhau: nhà nông, nhà giống, nhà thức ăn, nhà chế biến, nhà xuất khẩu… cùng nhìn một hướng thì việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn có thể thực hiện được. Bản tính người nông dân là “làm ăn chắc chắn, thực tế”, phải đảm bảo có lãi thì  mới dám đầu tư lớn, nếu không thì họ chỉ chấp nhận làm ăn cầm chừng chờ thời cơ.

Mấy năm trước, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau đã thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Cái Nước; hiệu quả kinh tế tăng 50% so với khi nông dân làm ăn nhỏ lẻ. Mô hình này rất phù hợp những vùng có thâm nhập mặn, cần rửa chua, chống ngập mặn, đòi hỏi canh tác phải đồng loạt. Đồng thời cánh đồng mẫu lớn phát huy vai trò với việc nuôi tôm trái vụ, vốn cần sự đồng bộ của các hộ. Nhờ đó, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ diễn ra dễ dàng hơn nhiều.

Nhiều ý kiến cho rằng nuôi tôm cánh đồng mẫu lớn dễ thực hiện với việc nuôi tôm quảng canh cải tiến vì không cần nhiều vốn và các hộ cũng có sẵn ruộng tôm tham gia (các dự án đã triển khai, trung bình mỗi hộ góp chưa tới 1 ha), việc sản xuất tôm sạch được bảo đảm. Ông Dương Hùng cũng cho biết, nuôi tôm quảng canh rất cần thực hiện cánh đồng mẫu lớn, vì người dân phải đồng loạt vào nước, ra nước thì mới có hiệu quả.

 

Thay đổi tư duy

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, cần phải có sự hợp tác giữa người nông dân và các nhà máy. Các cánh đồng mẫu lớn phải gắn với nhà máy, có đầu ra thì việc sản xuất mới ổn định và theo những tiêu chí phù hợp nhà máy.

Hiện nay, các nhà máy thường tự tổ chức vùng nguyên liệu của mình hơn là liên kết với nông dân, đó là nguyên nhân mà người nông dân không mặn mà với cánh đồng mẫu lớn. Thậm chí giáo sư Xuân còn khuyến khích mô hình nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn bằng cách góp vốn bằng đất vào với các nhà máy, thành cổ đông.

Người nông dân xưa nay vẫn coi mảnh ruộng là tài sản riêng không gì đánh đổi được, thà để hoang chứ không coi đất đai như một tài sản sinh lãi có thể đầu tư kinh doanh. Việc góp vốn bằng đất để tham gia nhà máy như một số nước phát triển không dễ thực hiện tại Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp lại có xu hướng tách việc sản xuất kinh doanh ra khỏi quá trình nuôi trồng, họ coi nông dân như một lực lượng khác, chứ không phải trong chuỗi giá trị sản xuất chung.

Việc thực hiện liên kết các “nhà” với nhau để xây dựng cánh đồng mẫu lớn phải được thực hiện dựa trên lòng tin giữa các nhà với nhau, cùng chia sẻ quyền lợi. Sự phân biệt quyền lợi của từng công đoạn sẽ tạo ra nghi kỵ, thậm chí trục lợi lẫn nhau. Người nông dân và nhà sản xuất, xuất khẩu phải đặt quyền lợi song hành với nhau. Khi đó, việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn trong ngành tôm mới đi vào thực chất và tạo được hiệu quả lâu dài. Nhiều người nông dân than phiền, khi tôm có giá thì doanh nghiệp lại không mua mà đi mua tôm không rõ nguồn gốc, thậm chí nhập khẩu, thì những cánh đồng mẫu lớn khó mà thực hiện được.

>> Cánh đồng mẫu lớn dễ phát huy sức mạnh tổng hợp. Chính quyền dễ dàng hỗ trợ được người dân về kỹ thuật, như giúp dân xây dựng nhật ký vùng nuôi, hỗ trợ chế phẩm vi sinh, doanh nghiệp hỗ trợ vốn, giống.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!