Muốn có ngôi nhà tốt, cần có một cái móng vững chắc; đối với ngành thủy sản cũng vậy, để phát triển bền vững và vươn ra biển lớn cần xem con giống là “nền móng” của ngành!
Con giống tốt – yếu tố then chốt cho vụ mùa thành công Ảnh: Nam Anh
Nỗ lực đạt được
Với phương châm “muốn nuôi tốt, con giống phải tốt”, trong năm qua, Bộ NN&PTNT cùng với Tổng cục Thủy sản và các cơ quan, ban ngành địa phương đã nỗ lực đề ra các chính sách, thắt chặt quản lý cũng như tăng cường kiểm soát chất lượng giống thủy sản. Tính đến nay, nhìn vào sự phát triển và cuộc đua về đích của toàn ngành có thể ghi nhận thành công mà Bộ NN&PTNT đã tạo dựng cho chất lượng con giống thủy sản với những nỗ lực đáng khen ngợi.
Với con tôm, hiện cả nước có khoảng 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất được hơn 100 tỷ con tôm giống mỗi năm. Tiếp đến là việc quy hoạch thành công 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang trở thành vùng sản xuất giống có quy mô lớn hơn 50 ha; Các thông tư, nghị định về quản lý giống thủy sản được ban hành cũng đang từng bước phát huy hiệu quả, giúp cho việc kiểm tra, kiểm soát con giống ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã lai tạo được một số dòng tôm thẻ chân trắng chất lượng cao và tiến hành cho phép sản xuất giống, thả nuôi thương phẩm để đánh giá, khảo nghiệm trên diện rộng.
Trong những năm tiếp theo, việc chủ động sản xuất được con giống tôm thẻ chân trắng tại Việt Nam sẽ trở thành hiện thực; Chúng ta cũng đã thành công trong việc gia hóa tôm sú bố mẹ trong điều kiện nhân tạo. Giảm dần tình trạng phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu và khai thác tự nhiên. Bộ NN&PTNT đã đề ra kế hoạch, phấn đấu kết thúc năm 2017 có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm post đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Điều đáng kể hơn nữa là hiện ngành cũng đã làm chủ được kỹ thuật sinh sản nhân tạo các đối tượng tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể, một số loài cá biển… Theo thống kê, cả nước đã có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, trên 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích trên 2.250 ha, sản xuất được hơn 2 tỷ cá tra giống, đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi của người dân. Với cá rô phi, cả nước có khoảng 240 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá rô phi, trong đó, 44 cơ sở nuôi giữ đàn cá rô phi bố mẹ với khoảng 940.000 con, sản xuất được khoảng 455 triệu cá rô phi giống. Đặc biệt, nhiều thương hiệu cung cấp và sản xuất con giống chất lượng đảm bảo được hình thành và ngày càng phát triển, tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển bền vững của nghề thủy sản ở mức độ thâm canh cao.
Nền tảng vững chắc
Với những cố gắng đã đạt được, cùng với nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng con giống trong việc sản xuất và nuôi trồng thủy sản; Tiếp theo, cần phải làm gì để con giống là nền tảng vững chắc cho ngành? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần nhìn nhận lại mục tiêu mà ngành giống thủy sản của nước ta hướng tới là gì. Để từ đó, có những giải pháp cụ thể, chi tiết và chính xác nhất cho định hướng phát triển cho ngành giống và tạo đà cho sự phát triển chung của toàn ngành.
Theo định hướng của Bộ NN&PTNT, việc tạo ra con giống tốt thì nòng cốt là các doanh nghiệp với sự hỗ trợ của các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản thuộc Bộ. Phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống thủy sản nuôi trồng chủ lực ở những vùng có lợi thế tự nhiên và vùng nuôi trồng trọng điểm để đảm bảo sản xuất đủ giống tốt, giá thành hạ, chủ động cung cấp tại chỗ cho nuôi trồng. Với mục tiêu đề ra đến năm 2020, nước ta sẽ chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống phục vụ nuôi trồng; trong đó 75% giống sạch bệnh. Cụ thể, số lượng giống tôm sú là 30 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 100 tỷ con, cá tra 2 tỷ con, rô phi 500 triệu con, tôm càng xanh 2 tỷ con, nhuyễn thể 60 tỷ con, cá nước ngọt truyền thống 19 tỷ con, cá biển 300 triệu con, cá tầm và cá hồi 3 triệu con, thủy đặc sản 500 triệu con.
Để làm được điều này, bộ, ngành cần bắt tay thực hiện các giải pháp cụ thể nhất đã đưa ra để giải quyết triệt để vướng mắc và khó khăn hiện nay, như: Tiếp tục xây dựng vùng/khu sản xuất giống thủy sản tập trung; Nâng cấp và phát triển các trung tâm giống thủy sản nhằm hình thành hệ thống nghiên cứu thực nghiệm và cung cấp đàn bố mẹ, đàn hậu bị cho các cơ sở sản xuất giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống, tham gia cung cấp giống thủy sản kinh tế cho nhu cầu nuôi; Đồng thời, hỗ trợ tối đa 50% chi phí sản xuất giống bố mẹ tôm sú, tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, giống cá tra và một số giống thủy hải sản chủ lực khác. Hỗ trợ tối đa 30% chi phí sản xuất giống lai đối với một số loại giống cần khuyến khích phát triển; Thực hiện việc nâng cao năng lực hệ thống quản lý chất lượng giống; Hơn nữa, cần đẩy mạnh việc đào tạo và hợp tác quốc tế để tạo nguồn nhân lực ngày càng tốt hơn; Trong đó, lựa chọn nhập công nghệ sản xuất giống công nghệ cao, hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới vào sản xuất giống; Và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài trong nghiên cứu chọn tạo giống, đưa giống mới và tiến bộ khoa học công nghệ giống thủy sản từ nước ngoài vào áp dụng trong nước, đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất giống có chất lượng cao cần được ưu tiên hơn cả; Tăng cường hợp tác quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin và nghiên cứu khoa học, di truyền, chọn giống, chuyển giao công nghệ và tranh thủ sự tài trợ của các nước và tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực cán bộ.
Coi trọng khoa học công nghệ
Sự phát triển của lĩnh vực con giống phải đi kèm với sự phát triển của toàn ngành. Do đó, cần coi trọng khâu khoa học công nghệ là trên hết và xem đây là hướng đi hiệu quả mang tính lâu dài và thiết thực nhất. Trước mắt, cần hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống tốt, giống sạch bệnh, các đối tượng có nhu cầu cao đã sản xuất được giống để tạo ra số lượng lớn (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi, ngao/nghêu, tôm càng xanh…); Xây dựng quy trình sản xuất giống một số đối tượng chưa chủ động được giống như tôm hùm, cá bản địa có giá trị cao (lươn, cá hô, cá bông lau, cá bống kèo…); Chọn tạo, nâng cao chất lượng giống một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, TTCT, cá tra, cá rô phi, tôm càng xanh…; Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về giống làm cơ sở cho công tác quản lý; Xây dựng quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ địa phương dành kinh phí cho các dự án thử nghiệm sản xuất giống, ưu tiên cho áp dụng công nghệ tiến bộ giống của các thành phần kinh tế.
Song song đó, cần làm tốt việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống đã thành công trong nước về kỹ thuật ương giống cá biển, sản xuất giống cá rô phi đơn tính đực, sản xuất giống nhuyễn thể, cua biển…; Xây dựng các mô hình sản xuất giống sạch bệnh để nhân rộng; Tổng kết và nhân rộng mô hình tiên tiến sản xuất giống chủ lực nhằm sản xuất được giống tốt, giá thành hạ; Tăng cường tập huấn về kỹ thuật sản xuất giống, phát hành ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến trao đổi kinh nghiệm rộng rãi cho nông, ngư dân.
Với việc thực hiện đầy đủ và chi tiết các giải pháp, cùng với sự nỗ lực chung của toàn ngành để phát triển ngành con giống, hy vọng trong năm tới, con giống thủy sản sẽ tạo đà cho việc thúc đẩy sự phát triển ngành thủy sản Việt Nam sạch – an toàn và bền vững.
>>Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh, để đóng góp cho ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, lực lượng doanh nghiệp cần tập trung hơn nữa vào chất lượng từ con giống, thức ăn bằng việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tạo thêm sức cạnh tranh trên thị trường trong giai đoạn hội nhập quốc tế. |