Trẻ em gái có vai trò quan trọng trong xã hội nhưng dường như đối tượng này chưa nhận được sự quan tâm đúng mực do những thói quen bắt nguồn từ nhận thức đã trở thành “cố hữu”.
Trẻ em gái rất cần được bình đẳng trong xã hội Ảnh: CTV
Tư tưởng cũ, con người mới
Hiện nay, ở nhiều địa phương, trẻ em gái được nhìn nhận thoáng hơn, được coi trọng hơn; tuy nhiên, số lượng đó chỉ chiếm phần nhỏ, còn lại, ở nhiều nơi, phần lớn, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào nhận thức, quan niệm của nhiều người. Những quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, hay “một trăm đứa khóc như ri không bằng một đứa nó đi giật lùi”. Vẫn như tư tưởng phong kiến, các quan niệm này cho rằng, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, do đó, nhiều người cố tìm mọi cách để sinh bằng được con trai, nói dõi tông đường.
Theo số liệu khảo sát vào đầu năm 2017 của Tổng cục Thống kê, tại 4 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; ĐBSH; Tây Nguyên và ĐBSCL, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng. Trong đó, tỷ số giới tính khi sinh tại ĐBSH vẫn cao nhất cả nước và có xu hướng tăng trong 5 năm liền (2009 – 2014) từ 115,3 lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ số giới tính khi sinh cao ngay trong lần sinh đầu tiên và đặc biệt tăng cao trong lần sinh thứ 3.
Với khát khao có bằng được con trai, nhiều gia đình tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu này, cho dù người vợ đã qua độ tuổi sinh đẻ hoặc nhiều gia đình đã sinh rất nhiều con, kinh tế vô cùng khó khăn, không có tiềm lực chăm sóc nuôi dưỡng con cái. Chính những thói quen và nhận thức lệch lạc này đã dẫn đến việc trẻ em gái luôn bị coi nhẹ hơn so với những trẻ em trai.
Thay đổi từ “cội rễ”
Hậu quả của việc trọng nam khinh nữ, khiến các em gái, chị em phụ nữ thường thiệt thòi và thiếu sự công bằng cho sự phát triển chung về mọi mặt. Thừa nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS – KHHGĐ cho biết, dù được giao thực hiện “Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025” nhưng việc triển khai đòi hỏi sự kiên trì, thời gian thực hiện lâu dài, bởi đây là vấn đề khó.
Vì thực hiện nội dung này, không nằm ở kinh tế, công cụ quản lý mà nằm ở giá trị văn hóa đã in sâu trong suy nghĩ người dân. Ông ví dụ, có nhiều trường hợp chị em phụ nữ có được vị trí cao trong xã hội rồi nhưng vẫn đánh đổi vị trí xã hội để sinh con thứ 3 với mong muốn có được con trai nối dõi. Rất nhiều trường hợp, nhiều gia đình dù ở nơi văn minh, được tiếp cận thông tin hiện đại nhưng tư tưởng trọng nam vẫn ăn sâu vào nhận thức, hành động; do đó, phụ nữ và em gái luôn chịu thiệt thòi. Hay vẫn còn tư tưởng, con gái không cần phải học cao vẫn “đeo bám” nhiều thế hệ. Cùng với việc tự chấp nhận những quan niệm cổ hủ bằng những trói buộc vô lý và vẫn phải thực hiện, nhiều phụ nữ bị áp lực dòng họ, áp lực của gia đình nhà chồng.
Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả, ngoài việc hướng truyền thông vào đối tượng chị em phụ nữ, cần tập trung vào cả những đối tượng “tiền bối” như ông bà, nam giới, trẻ em nam…
Ngoài ra, ở các địa phương thường xuyên thành lập các CLB, tuyên truyền nhóm, mô hình, buổi nói chuyện, hội thảo chuyên đề, sinh hoạt tập thể như Hội Phụ nữ, Đoàn viên thanh niên… với nội dung liên quan đến nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội, tư tưởng bình đẳng, nuôi dạy con cái thật tốt, xóa bỏ bạo hành gia đình, hắt hủi con gái và phụ nữ. Thông qua các buổi sinh hoạt, các chị em được nói lên tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của mình. Xây dựng mô hình hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ, tổ chức nói chuyện về mất cân bắng giới tính khi sinh, xây dựng góc sinh hoạt về bình đẳng giới tại các trường THCS, THPT trên địa bàn các huyện, tỉnh, thành phố. Khi trẻ em gái vị thành niên được bảo vệ, có phương tiện và thông tin để tự quyết định cuộc sống của mình thì các em sẽ có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành một con người tích cực và có ích cho gia đình, xã hội.