Đến năm 2030, chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là mục tiêu trong Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phê duyệt tại Quyết định số 1090/QĐ-TTg ban hành ngày 19/9/2023.

Quyết định số 1090/QĐ-TTg ghi rõ: Chương trình hướng đến việc phát triển khai thác thủy sản bền vững trên cơ sở giảm dần về cường lực và tổng sản lượng khai thác phù hợp với tổng sản lượng cho phép khai thác tối đa và cường lực khai thác bền vững; cơ cấu lại đội tàu theo nghề khai thác phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo từng ngư trường; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý hoạt động của tàu cá trên biển; đảm bảo an toàn cao nhất và giảm thiểu thiệt hại cho người và tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; duy trì sự hiện diện thường xuyên của tàu cá và ngư dân trên các ngư trường khai thác, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các các vùng biển, đảo của Tổ quốc…

Sẽ xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không” và các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là khai thác IUU. Ảnh minh họa.

Mục tiêu

Phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản với cơ cấu tàu, nghề phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản; sản xuất an toàn, hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cụ thể, đến năm 2025 sẽ cắt giảm 10% hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi so với năm 2020; xác định sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với nghề khai thác cá ngừ đại dương; 

100% các tỉnh, thành phố ven biển xác định hạn ngạch tàu cá khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng thuộc phạm vi quản lý; 100% tàu cá hoạt động vùng khơi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và được cung cấp bản tin dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả.

Thực hiện giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác và nguyên liệu hải sản nhập khẩu; 100% tàu cá được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; Hoàn thiện và cập nhật, khai thác và quản lý hiệu quả Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase) trên toàn quốc…

Đến năm 2030 có cơ cấu đội tàu, nghề khai thác và tổng sản lượng thủy sản khai thác phát triển phù hợp với Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Có tàu cá đi khai thác viễn dương và khai thác hợp pháp tại vùng biển của các quốc gia, vùng lãnh thổ theo thỏa thuận hợp tác nghề cá.

Tàu cá sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm đạt 50%; tổn thất sau thu hoạch trung bình giảm xuống dưới 10%; Duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản bình quân đạt 1,5%/năm, thu nhập trung bình của lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020.

Đồng thời, chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển…

Nhiệm vụ chủ yếu

Tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững

Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản, sản lượng cho phép khai thác trên từng ngư trường; Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của từng địa phương.

Chuyển đổi sang các các nghề ít xâm hại nguồn lợi và môi trường sinh thái, sử dụng ít nhiên liệu, ít nguồn lực hơn, hoặc chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo của nguồn lợi thủy sản.

Thúc đẩy đàm phán hợp tác khai thác thủy sản giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tổ chức đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản viễn dương và vùng đặc quyền kinh tế của các nước theo thỏa thuận hợp tác nghề cá…

Phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm 

Tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản tham gia tích cực, phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chia sẻ lợi ích với ngư dân; Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương.

Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.

Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương…

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản

Kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm” và các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định về cấm khai thác, tạm ngừng khai thác có thời hạn, vùng cấm khai thác, cấm theo nghề tại một số vùng biển, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu trước khi đi biển, hoạt động trên ngư trường, về cảng lên cá và tiêu thụ. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác từ nhật ký khai thác thủy sản điện tử, hệ thống quản lý tổng hợp cảng cá, hệ thống theo dõi tàu cá ra vào cảng.

Cùng đó, Chương trình đưa ra nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; Nâng cao hiệu quả của các cơ sở hậu cần nghề cá, đặc biệt là thúc đẩy tổ chức mô hình chợ đầu mối thủy sản, chợ bán đấu giá sản phẩm hải sản để nâng cao giá trị. Đồng thời, tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

Giải pháp

Để hoàn thành 6 nhiệm vụ được đưa ra, Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022 – 2025, định hướng 2030 tập trung vào 6 giải pháp chính. Trong đó lưu ý những vấn đề trọng tâm như: Thay đổi, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới phù hợp hơn; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phương pháp tiên tiến trong điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, bảo quản sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch. Đồng thời, tổ chức đẩy mạnh công tác khuyến ngư trong khai thác hải sản; xây dựng và nhân rộng các mô hình phù hợp, hiệu quả cao; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân cao nhận thức…

Đặc biệt, Chương trình nhấn mạnh việc chủ động thúc đẩy hợp tác với các nước trong khu vực và các đối tác nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC liên quan đến IUU; tích cực hợp tác trao đổi thông tin với Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về các nỗ lực của ta trong chống khai thác IUU cũng như xem xét, đánh giá tương đương các quy định có liên quan của Hoa Kỳ và Việt Nam từ đó giảm thiểu nguy cơ bị các đối tác tiến hành điều tra, áp thuế…

Đồng thời tăng cường hợp tác nghề cá đa phương, tích cực tham gia các cuộc đàm phán trợ cấp nghề cá của WTO và phấn đấu có các chính sách phát triển nghề cá công bằng và hợp lý đối với nghề cá quy mô nhỏ của Việt Nam…

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!