Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản về với ngư dân Cà Mau

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn và Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển (Đề án 52) đợt I năm 2011 tại Cà Mau đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Vượt khó

Ông Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh Cà Mau cho biết: Một khó khăn cho công tác dân số nói chung, và việc triển khai Chiến dịch hay Đề án 52 nói riêng là ở một vài nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác DS – KHHGĐ. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, cộng tác viên còn thiếu nên công tác tuyên truyền, vận động, điều tra nắm bắt đối tượng chưa đảm bảo tính sâu rộng, từ đó đối tượng đến với các ngày cao điểm của chiến dịch còn ít. Mặc dù vậy, các cán bộ làm công tác DS – KHHGĐ từ tỉnh đến địa phương đã thực hiện chiến dịch với sự nhiệt tình và tinh thần quyết tâm cao.

 Chiến dịch đợt I năm 2011 và Đề án 52 được tổ chức tại 90/90 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị trong tỉnh từ ngày 28/2 – 25/5, cung cấp gói dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, dịch vụ phòng chống viêm nhiễm đường sinh dục, gói làm mẹ an toàn tới các cặp vợ chồng, các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các bà mẹ mang thai.

Nhờ Đề án 52, chất lượng cuộc sống của người dân Cà Mau được nâng cao

Để chuẩn bị cho chiến dịch, hoạt động truyền thông vận động được coi trọng và đi trước một bước. Các ban, ngành, đoàn thể các cấp đều tham gia công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Thông qua mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên DS – KHHGĐ ấp, khóm, các địa phương tổ chức điều tra rà soát, lập danh sách các cặp vợ chồng đã và chưa sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại để phân loại theo từng nhóm tuổi, số con, tình hình sức khỏe và hoàn cảnh kinh tế gia đình; sau đó sàng lọc chọn đối tượng cần ưu tiên tập trung vận động thực hiện các biện pháp tránh thai bền vững như triệt sản hoặc sử dụng vòng tránh thai.

Đồng thời, các đơn vị chuẩn bị phòng khám, phương tiện, dụng cụ, thuốc, hóa chất, các phương tiện tránh thai đầy đủ trước khi chiến dịch diễn ra. Đặc biệt, tỉnh cũng tăng cường thuyền y tế có trang bị phương tiện kỹ thuật như: Máy siêu âm, máy soi cổ tử cung và các phương tiện xét nghiệm phục vụ cho đợt I Chiến dịch và Đề án 52 đạt kết quả cao.

 

Hỗ trợ kinh phí địa phương

Cùng với đó, để khích lệ, động viên các cán bộ, cộng tác viên dân số trong triển khai chiến dịch, địa phương còn hỗ trợ thêm kinh phí cho đội dịch vụ lưu động, đưa rước và vận động đối tượng thực hiện KHHGĐ. Đối với các ca triệt sản, tiền bồi dưỡng được hỗ trợ thêm là 200.000 đồng/ca, trích từ ngân sách tỉnh, huyện và xã. Mỗi ca đình sản được hỗ trợ thêm từ 300.000 – 350.000 đồng.

Nhờ nỗ lực của cả hệ thống làm công tác DS – KHHGĐ, chiến dịch và Đề án 52 đợt I năm 2011 đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Kết quả chiến dịch, toàn tỉnh Cà Mau đã có thêm 194 ca triệt sản, 12.230 ca đặt vòng, 163 người sử dụng thuốc cấy tránh thai, 1.064 người dùng thuốc tiêm, 31.624 người sử dụng thuốc uống, 27.285 người sử dụng bao cao su; 39.404 lượt phụ nữ được khám sức khoẻ sinh sản, 26.686 phụ nữ được phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục và được điều trị; 975 phụ nữ được khám thai, 940 bà mẹ mang thai được cấp viên sắt. Tổng kinh phí chi các hoạt động đợt I lên tới trên 750 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách các cấp trong tỉnh hộ trợ hơn 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Cao Hùng nhấn mạnh: “Đối với một số xã trọng điểm, khó khăn, cần đầu tư phần kinh phí về trang thiết bị, thuốc thiết yếu để nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS và KHHGĐ. Các cấp chính quyền, đoàn thể cần quan tâm hỗ trợ tích cực và cụ thể hơn, đặc biệt là bổ sung kính phí cho Chiến dịch”.

>> Các cộng tác viên dân số, cán bộ tổ phụ nữ, đoàn thanh niên, nông dân, cựu chiến binh ở khắp các khóm ấp tham gia tuyên truyền, vận động trực tiếp đến từng đối tượng tại các hộ gia đình, cung cấp đầy đủ các sản phẩm truyền thông nhằm giúp cho đối tượng hiểu sâu hơn về công tác DS – KHHGĐ và tự nguyện đến với dịch vụ.

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!