ĐBSCL được coi là “vựa tôm” lớn, năm 2013, khu vực này chiếm 92,5% tổng diện tích và 79,8% tổng sản lượng nuôi tôm nước lợ của cả nước. Trong đó, sản lượng và diện tích nuôi tôm sú chiếm 95%, tôm thẻ chân trắng (TTCT) chiếm khoảng 70% diện tích và 65% sản lượng. Cùng Con Tôm điểm lại những vấn đề nổi bật của một số tỉnh nuôi tôm trọng điểm.
Diện tích và sản lượng
Dẫn đầu cả nước là tỉnh Cà Mau. Hiện, diện tích nuôi tôm của Cà Mau đạt 296.551 ha; trong đó, nuôi tôm quảng canh 161.932 ha, công nghiệp gần 6.000 ha, quảng canh cải tiến gần 40.000 ha, diện tích còn lại nuôi kết hợp với các đối tượng khác. Sản lượng đạt 133.500 tấn, trong đó tôm sú đạt 107.500 tấn, TTCT 26.000 tấn. Diện tích nuôi lớn nên nhu cầu tôm giống mỗi năm của Cà Mau cũng nhiều nhất cả nước, khoảng trên 25 tỷ con. Tuy nhiên, mỗi năm tỉnh chỉ sản xuất được khoảng 8 – 9 tỷ con tôm sú, đáp ứng 40% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh miền Trung. Vì vậy, công tác quản lý con giống gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay phong trào nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến của Cà Mau đang phát triển rất mạnh, nhu cầu con giống lớn, khoảng 25 – 28 tỷ con trong năm 2014; trong đó khoảng 3 tỷ con TTCT. Năm 2014, để phát triển ngành tôm, tỉnh Cà Mau đã có nhiều biện pháp như: kiểm soát chất lượng con giống, vật tư đầu vào, thí điểm trại sản xuất TTCT giống…
Năm 2013, sản lượng tôm đạt trên 540.000 tấn – Ảnh: Thanh Ngân
Dịch bệnh
Bạc Liêu là tỉnh có diện tích tôm bị thiệt hại nhiều nhất cả nước với 31.924 ha, trong đó tôm sú là 30.579 ha, TTCT là 1.345 ha. Để kiểm soát dịch bệnh trong năm 2014, ngành chức năng tỉnh tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp và xây dựng quy trình hướng dẫn khắc phục bệnh hoại tử trên tôm nuôi. Đồng thời, khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế vi khuẩn Vibrio phát triển, sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường để hạn chế dịch bệnh. Đẩy mạnh nuôi tôm theo mô hình VietGAP, hướng dẫn mô hình nuôi tôm hiệu quả ở các địa phương. Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho người dân, đặc biệt là xử lý những ao đầm bị thiệt hại do dịch bệnh. Phát hiện và cảnh báo cho người nuôi những biến động xấu về môi trường, tình hình dịch bệnh để người nuôi có kế hoạch phòng chống.
Diện tích ngoài quy hoạch
Đứng đầu là Bạc Liêu với 7.472 ha và đây cũng là diện tích nuôi TTCT ngoài quy hoạch nhiều nhất trên cả nước (trong đó có 147 ha nuôi thâm canh và 7.325 ha nuôi quảng canh cải tiến), tập trung tại các huyện: Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân. Tuy nhiên, diện tích nuôi TTCT này còn tiếp tục tăng, đặc biệt việc nuôi tôm tại các nơi chưa đủ điều kiện là nguyên nhân khiến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng… Bên cạnh đó, người nuôi tôm còn phải đối mặt về giá cả, cạnh tranh trên thị trường… Trước thực trạng này, cơ quan chức năng của tỉnh khuyến cáo người dân các địa phương phát triển TTCT ở mức độ vừa phải, mức sản lượng tăng khoảng 20 – 30% là hợp lý, tránh phá vỡ quy hoạch; không chỉ đảm bảo sản lượng mà còn phải đảm bảo giá trị gia tăng bền vững.