(TSVN) – Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, 8 tháng đầu năm nay diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước bị thiệt hại là hơn 38.736 ha, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái. Nghiêm trọng là nhiều diện tích thiệt hại không rõ nguyên nhân.
Tám tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 36.600 ha, cao gấp 2,1 lần cùng kỳ năm 2019 và chiếm gần 6% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Ngoài nguyên nhân do dịch bệnh, biến đổi môi trường, thời tiết thì có nhiều diện tích tôm chết không xác định được nguyên nhân. Cục Thú y dự báo diện tích tôm nuôi bị thiệt hại có thể tăng mạnh trong thời gian tới do các điều kiện bất lợi của thời tiết như: nắng nóng kéo dài, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn…
Với cá tra, tổng diện tích nuôi bị thiệt hại là hơn 766 ha, chiếm trên 19% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước (4.016 ha). Một số bệnh thường gặp trên cá tra là gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng, xuất huyết… Thiệt hại trên các loài thủy sản khác gần 1.365 ha, chủ yếu là diện tích nuôi nghêu/ngao, tôm càng xanh và một số loài thủy sản nước ngọt khác.
Mới đây, trong ngày 11/9, cá lồng nuôi trên sông Bồ (tại Thừa Thiên – Huế) bị chết với tỷ lệ tương đối lớn. Thống kê trên toàn địa bàn phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà có 14 lồng cá trắm cỏ của 14 hộ bị chết với 455 con, sản lượng hơn 2 tấn; thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Ngoài phường Hương Xuân, nhiều lồng cá nuôi tại phường Hương Toàn (Hương Trà) và xã Quảng Thọ (Quảng Điền)… có hiện tượng cá lờ đờ, ngoi lên mặt nước, chết rải rác; ước thiệt hại 200 triệu đồng.
Theo Cục Thú y, cả nước có 43/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; trong đó có 26 tỉnh, thành phố đã bố trí gần 86,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 3 tỉnh không bố trí riêng kinh phí cho việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Số lượng các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm về nuôi tôm có kế hoạch và có bố trí kinh phí còn rất thấp, không đủ để triển khai việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là hoạt động giám sát chủ động đã và đang phát huy hiệu quả trong nhiều năm qua.
Trước tình trạng tôm nuôi thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân với gần 30.000 ha, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Cục Thú y cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản quốc gia. Các địa phương, người nuôi tôm cần có giải pháp khắc phục như: quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi bảo đảm điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp, tổ chức lấy mẫu đối với những diện tích bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh…
Hải Lý