Điêu đứng vì cá tầm nhập lậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá tràn chợ, giá quá thấp…, là thực trạng cá tầm tại thị trường Việt Nam hiện nay. Không những có nhiều nguy cơ về dịch bệnh vì chất lượng chưa được kiểm soát, mà còn khiến ngành cá tầm trong nước lao đao. Tuy nhiên, đến lúc này, các biện pháp khắc chế vẫn chưa có tác dụng.

“Đặc sản” nhan nhản chợ

Trong khi nhiều loại nông, thủy sản khác được người Trung Quốc tận lực mua gom thì “đặc sản” cá tầm Trung Quốc lại tràn sang Việt Nam với khối lượng rất lớn.

Ở chợ đầu mối Yên Sở (Hà Nội), nhiều tiểu thương cho biết, có khoảng chục đầu nậu chuyên nhập lậu cá tầm về đây tiêu thụ, và 2 – 3 ngày một lần cá tầm Trung Quốc lại vượt biên “nhập tịch” Việt Nam. Với giá mua tại biên giới rẻ hơn cá nước ngọt nên lượng cá tầm về ngày càng nhiều, trọng lượng khoảng 1 kg. Giá cá tầm nhập lậu thường được chia thành hai loại, cá sống giá tại chợ Yên Sở thấp nhất 70 – 80 nghìn đồng/kg, cao lên tới 110 – 130 nghìn đồng/kg. Nếu là cá chết, sau khi được tẩm ướp, bảo quản thì khoảng 50 nghìn đồng/kg.

Qua miền Bắc, cá tầm nhập lậu “bay” rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngay tại Lâm Đồng, “vựa cá nước lạnh” của cả nước, cũng không tránh khỏi. Giám đốc một doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh cho biết, TP Hồ Chí Minh hiện có 5 – 6 thương gia mua cá tầm Trung Quốc vận chuyển bằng đường không vào rồi chuyển đi các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ với số lượng 600 – 700 tấn/năm, trung bình mỗi ngày khoảng 2 tấn.

Sự xâm nhập ngày càng lớn của cá tầm nhập lậu Trung Quốc không chỉ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh mà còn đẩy người nuôi cá tầm trong nước đến nguy cơ phá sản.

Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Công ty TNHH Cá tầm Việt Nam cho biết: Chi phí nuôi mỗi kg cá tầm thương phẩm khoảng 150.000 đồng. Thời điểm đắt nhất, cá tầm nuôi bán khoảng 260.000 đồng/kg tại hồ. Nhưng nay, cá Trung Quốc giá rẻ tràn vào, nên dù còn 114 nghìn đồng/kg vẫn khó tiêu thụ.

Nhiều người nuôi cá nước lạnh đều khẳng định, cá tầm Trung Quốc là giống lai, nuôi theo mô hình công nghiệp, chất lượng không bằng cá tầm trong nước, trốn thuế nên bán rẻ khiến các cơ sở nuôi trong nước không cạnh tranh nổi.

 

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo đại diện cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp), cá tầm nhập khẩu phải được cơ quan này cấp phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa một lô hàng cá tầm nào được cấp. Điều đó chứng tỏ tất cả cá tầm Trung Quốc ở Việt Nam là nhập lậu. Cũng theo đơn vị này, cá tầm nhập lậu có thể được nuôi trong môi trường công nghiệp không đảm bảo an toàn, thiếu kiểm soát nguồn gốc.

Cá tầm nhập lậu đang khiến các doanh nghiệp cá tầm trong nước chao đảo – Ảnh: Huy Hùng

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: Tình trạng thủy sản Trung Quốc nhập lậu vào nước ta đã diễn ra từ lâu, đây là một vấn đề nhức nhối nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Thủy sản nhập lậu khiến Nhà nước thất thu thuế, người nuôi cá trong nước điêu đứng, trong khi người tiêu dùng mua phải hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, cá tầm là mặt hàng giá trị lớn, nếu không kiểm soát chặt sẽ dẫn đến tổn thất rất lớn về kinh tế. Theo Bộ NN&PTNT, cá tầm nhập lậu của Trung Quốc đang bán tràn lan trên thị trường, chiếm đến 80 – 90%. Cá tầm Trung Quốc tại các chợ có giá 160.000 – 180.000 đồng/kg, tại các nhà hàng lên đến 500.000 – 600.000 đồng/kg.

 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Cá tầm Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước khiến người nuôi điêu đứng, người tiêu dùng mua sản phẩm chất lượng thấp với giá cao, nhiều nguy cơ bệnh dịch và thiếu an toàn, song cơ quan quản lý và các lực lượng chức năng lại chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý việc nhập lậu.

Ông Nguyễn Văn Khải, cho biết, Công ty TNHH cá tầm Việt Nam đã có nhiều văn bản, đơn từ kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhưng chưa có gì biến chuyển. Hiện, doanh nghiệp chỉ biết trông chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp cần là vậy, nhưng phản ứng từ các cơ quan chức năng dường như chưa có gì gấp. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn bày tỏ: “Bộ NN&PTNT cũng chưa có biện pháp gì khả thi hơn để tháo gỡ. Vì ngành nông nghiệp không phụ trách chính về lĩnh vực ngăn chặn hàng lậu, muốn giải quyết dứt điểm cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng”.

Cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng, nhưng các ngành lại không thống nhất trong xử lý vấn đề. Theo giám đốc một doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh thì 100% cá tầm nhập từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh qua đường hàng không; vì nếu không vận chuyển theo đường hàng không, với khí hậu và khoảng cách địa lý như vậy cá chỉ có chết. Tuy nhiên, đại diện ngành hàng không lại khẳng định, ngành hàng không chỉ chịu trách nhiệm kiểm tra các hàng hoá có khả năng gây nguy hiểm (như chất cháy nổ, vũ khí…); với hàng hoá thông thường, trong đó có cá tầm, trách nhiệm chính thuộc các ngành chuyên môn. Đại diện hải quan sân bay Nội Bài thì cho biết, chỉ kiểm soát hàng xuất nhập khẩu chứ không kiểm soát cá tầm nhập lậu bằng đường bộ rồi vận chuyển bằng hàng không nội địa. Trong khi đó, Cục Thú y cho rằng, đơn vị này chỉ kiểm dịch động vật – thủy sản xuất, nhập khẩu, trách nhiệm kiểm dịch nội địa thuộc Sở NN&PTNT địa phương. Nhưng thực tế, lực lượng của cơ quan chức năng địa phương chưa tỏa được tới đó và cho rằng trách nhiệm các đơn vị chuyên trách vẫn lớn hơn.

Việc né tránh và có phần đẩy trách nhiệm như vậy là một phần nguyên nhân khiến cá tầm Trung Quốc rộng đường nhập lậu tràn ngập thị trường Việt Nam, gây rối ren như hiện nay.

>>  Năm 2013, Việt Nam sản xuất 900 tấn cá tầm; trong đó Lâm Đồng 450 tấn, các tỉnh miền núi phía Bắc 250 tấn, miền Nam và Tây Nguyên (trừ Lâm Đồng) 240 tấn. Theo Cites Việt Nam, cá tầm là loài cần được bảo vệ nên việc xuất nhập khẩu buộc phải có giấy phép.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!