(Tạp chí Thủy sản VN) – Ngành Thủy sản nước ta có nhiều tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, do áp lực khai thác quá lớn, không được quản lý chặt chẽ… làm suy giảm nguồn lợi. Việc đổi mới, cải tiến cách thức quản lý hiện nay là một tất yếu khách quan. Đề án đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ nhằm mục tiêu phát triển các sáng kiến quản lý sáng tạo, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình quản lý hiệu quả, đưa ra những định hướng phát triển cho ngành Thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững.
Thực trạng báo động
Nguồn lợi thủy sản là cơ sở phát triển ngành thủy sản, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Song, áp lực đối với nguồn lợi thủy sản ven bờ nước ta ngày càng lớn, khai thác quá mức và bất hợp pháp, hủy diệt, tận thu… dẫn đến nguồn lợi ngày càng cạn kiệt. Tình trạng tranh chấp giữa các nhóm lợi ích khác nhau, giữa các ngành, các địa phương, các nhóm ngư dân với các nhóm nghề các nhóm tàu khác nhau diễn ra ngày càng gay gắt. Do khai thác quá mức, vấn đề an ninh, an toàn trên biển, nên hiện nay ở nhiều địa phương, các tàu cá xa bờ lại chuyển vào vùng ven bờ khai thác, gây tranh chấp với các tàu thuyền nhỏ ven bờ. Theo Hội Nông dân quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng (2009), có gần 90% tàu công suất lớn của địa phương đã chuyển đổi từ nghề câu mực khơi và đánh bắt xa bờ sang khai thác gần bờ, trong vòng 6 tháng đầu năm 2009, đã có ít nhất 20 tàu trên 200 CV của Đà Nẵng đã bị bán. Tranh chấp giữa các ngư dân nghề di động và nghề cố định xảy ra ở hầu hết các địa phương trên phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên – Huế, và ở nhiều đầm phá ven biển miền Trung. Hiện tổ chức quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Nhà nước còn nhiều bất cập: mâu thuẫn giữa nguồn lợi và năng lực quản lý, mâu thuẫn giữa trách nhiệm và quyền lợi. Bên cạnh đó, an ninh trên biển còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Theo thống kê của ngành thủy sản, chỉ riêng năm 2009, Việt Nam đã có 161 vụ, với 304 tàu và 2.472 ngư dân bị bắt giữ xử phạt, tịch thu tài sản tại các nước như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…
Người dân chưa thực sự tham gia vào việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vấn đề “quyền” và “lợi” chưa được giải quyết một cách thỏa đáng giữa các ngành với nhau. Điều đáng tiếc là trên thực tế hiện nay, ngư dân chính là lực lượng gần nhất bám biển, gắn bó với biển nhưng họ thực sự chưa được giao biển, cụ thể là giao quyền lợi để giữ nguồn lợi biển một cách chính thức.
Khai thác cá gần bờ ở Nam Định Ảnh: Huy Hùng
Lựa chọn hợp lý
Từ những thực tế trên, đồng quản lý nghề cá là sự lựa chọn hợp lý cho bối cảnh nghề cá nước ta. Hiện, đồng quản lý nghề cá ở Việt Nam cũng khá đa dạng, mặc dù đều có những thuận lợi, khó khăn, thành công và bài học kinh nghiệm nhất định nhưng nhìn chung hầu hết các mô hình đều đã có những thành công ban đầu về các mặt nhận thức, trách nhiệm, sự hợp tác. Đặc biệt, một số mô hình đã nhận thấy những lợi ích về kinh tế: thu nhập, xã hội và môi trường, nguồn lợi… Một số mô hình thành công, có tính chất điển hình như mô hình đồng quản lý trong khai thác, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Thừa Thiên – Huế; Mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi biển ở Khu bảo tồn biển Rạn Trào huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa; Mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực rừng ngập mặn xã Phù Long – thị trấn Cát Bà, Hải Phòng…
Khi triển khai các mô hình đồng quản lý thành công sẽ đem lại rất nhiều lợi ích như tăng tính tự lực, tạo cơ hội mới về việc làm, huy động nguồn lực và kỹ năng chưa sử dụng của cộng đồng; nâng cao nhận thức và quan trọng nhất là trách nhiệm đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại địa phương, từ đó giúp cho công tác quản lý khai thác và sử dụng nguồn lợi đi vào nề nếp, giảm bớt tranh chấp khai thác và góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, về mặt lợi ích quốc gia và của ngành thủy sản, đây là bước quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, góp phần ổn định kinh tế – xã hội và an ninh vùng biển. Về mặt lợi ích cộng đồng, mô hình sẽ tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý và giám sát các hoạt động sử dụng nguồn lợi, giúp chính quyền giải quyết một phần trách nhiệm quản lý ở địa phương mình và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Chính vì vậy, việc xây dựng các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản là một nhu cầu thực tiễn khách quan, một đòi hỏi từ thực tiễn quản lý nghề cá. Kết quả của đề án sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất của ngành, thực hiện thí điểm phân cấp quản lý về cơ sở, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng vùng ven biển và biên giới.
>> Ý nghĩa quan trọng của Đề án đồng quản lý nghề cá:
– Bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường trong phạm vi vùng dự án theo hướng tốt hơn thời điểm chưa áp dụng đồng quản lý.
– Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng tham gia mô hình theo hướng ổn định và tốt hơn; cải thiện được thu nhập cho ngư dân trong vùng thông qua việc bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản vùng dự án (gồm cả nuôi trồng thủy sản trong khu vực).
Vũ Mưa