Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), một số quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-BNNPTNT (TT06) ngày 2/2/2010 của Bộ NN&PTNT đang gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên liệu, sản phẩm thủy sản, hàng mẫu và kiểm tra chất phóng xạ.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp (DN) thủy sản, trước khi quyết định mua hoặc sản xuất thử mặt hàng mới (không nhằm mục đích thương mại), họ thường yêu cầu khách hàng gửi hàng mẫu là sản phẩm thủy sản đông lạnh để khảo sát chất lượng. Đây là trường hợp phát sinh ngoài kế hoạch với số lượng nhỏ được gửi bằng đường hàng không để rút ngắn thời gian. Nhưng theo quy định tại TT06, đã là hàng nhập, dù khối lượng lớn hay nhỏ đều phải thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm dịch theo đúng trình tự bao gồm: đăng ký kiểm dịch và xin giấy phép nhập khẩu (NK) với Cục Thú y.
Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Nguồn: Internet).
Sau khi có giấy phép NK mới được làm thủ tục khai báo, kiểm tra hàng và lấy giấy chứng nhận kiểm dịch. Quy định này đã tăng thêm thời gian, chi phí cho DN, trong khi DN đã buộc phải vận chuyển bằng hàng không trong thời gian gấp để quyết định mua sớm nguyên liệu hoặc chấp nhận ký hợp đồng sản xuất xuất khẩu (SXXK) nhưng thời gian đợi kết quả, làm thủ tục lại kéo dài khiến cơ hội mua hàng hoặc ký kết được hợp đồng làm hàng XK bị mất hoặc bỏ lỡ.
Thêm nữa, theo quy định tại TT06, để làm thủ tục đăng ký kiểm dịch hàng thủy sản NK, phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch (H/C) do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như, khách hàng Nhật Bản mua nguyên liệu từ Đan Mạch, sau đó xuất sang Trung Quốc và gửi vào kho ngoại quan của Trung Quốc rồi mới chuyển sang Việt Nam để gia công, SXXK. Do đó, bạn hàng NK chỉ có được H/C của Cơ quan thẩm quyền Đan Mạch cấp.
Hoặc trong trường hợp khách hàng Nhật Bản này mua nguyên liệu từ Ấn Độ và gửi vào kho ngoại quan của Nhật Bản. Tuy nhiên, theo quy định nước này, cơ quan thẩm quyền không cấp H/C cho hàng hóa còn nằm trong kho ngoại quan. Thậm chí, từ tháng 9/2012, cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản cũng đã ngừng cấp H/C cho lô hàng nguyên liệu NK đã qua sơ chế (phi lê, luộc…) từ nước thứ 3 để XK sang Việt Nam để gia công, chế biến hàng XK.
Một trường hợp nữa là, tàu cá nước ngoài đánh bắt trên biển và cập cảng Thái Lan để dỡ bán một phần cho công ty Thái Lan, phần còn lại người bán đóng container lạnh, xuất bán cho DN Việt Nam. Như vậy, người bán cũng không cung cấp được cho DN Việt Nam H/C hoặc chứng thư chất lượng.
Gặp phải 3 trường hợp trên, DN thủy sản đều không thực hiện được thủ tục đăng ký kiểm dịch tại cơ quan thẩm quyền Việt Nam do không có được H/C từ cơ quan thẩm quyền nước XK cấp.
Ngoài ra, hiện những lô hàng thủy sản NK từ Nhật Bản để gia công hoặc SXXK không có Giấy chứng nhận phóng xạ do cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cấp thì Cơ quan thú y lại yêu cầu phải có văn bản đề nghị Cơ quan thú y vùng kiểm tra lô hàng tại Việt Nam và mọi chi phí kiểm do DN chi trả và chỉ khi có kết quả kiểm phóng xạ mới được giải phóng hàng khỏi cảng. Điều này trái với quy định tại Công văn số 966/BNN-QLCL ngày 14/4/2011 của Bộ NN&PTNT là toàn bộ chi phí cho việc lấy mẫu, phân tích mẫu lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan kiểm tra tức là cơ quan thú y vùng chi trả.
Trước những khó khăn này, VASEP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và kiến nghị biện pháp tháo gỡ cho DN NK thủy sản có lô hàng bị vướng trong các trường hợp kể trên. Hiện bộ này đã thành lập tổ soạn thảo xây dựng, sửa đổi, thay thế TT06.