Doanh nghiệp thủy sản suy thoái: Khủng hoảng quản trị

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình trạng nợ lớn, kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến phải giảm công suất, đóng cửa hoặc đổi chủ của các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản hiện nay, có nguyên nhân sâu xa từ sự quản trị không theo kịp quy mô phát triển.

Làn sóng đổi chủ

Công ty CP Thủy sản Bình An ở TP Cần Thơ sau 7 tháng làm nóng dư luận về nợ nần, ngày 25/8, giấy phép kinh doanh cấp lại đã công nhận chủ mới là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Đến ngày 17/10, Đại hội cổ đông thường niên, lãnh đạo SHB chính thức nắm các chức vụ lãnh đạo Công ty Bình An. Còn ông Trần Văn Trí nhận chức Tổng giám đốc từ vợ là bà Phạm Thị Diệu Hiền đã rời chức vụ, chỉ còn là thành viên HĐQT giữ 20,1% cổ phần.

Ở Cần Thơ còn có cuộc đổi chủ lặng lẽ tại Công ty TNHH Trường Nguyên, chủ mới là Doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Sông Hậu ở tỉnh Hậu Giang. Công ty Trường Nguyên có 500 công nhân, đang hoạt động nhưng gặp gặp khó khăn nên bán “trọn gói” hơn 100 tỷ đồng, chủ mới đầu tư thêm gần chừng đó nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Công ty Việt Hải đóng cửa sau khi đổi chủ – Ảnh: Tiến Hưng

Cũng đổi chủ lặng lẽ, ở tỉnh Cà Mau đã có 4 doanh nghiệp: Công ty CP Thực phẩm Đại Dương, Công ty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Việt Hải, Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Minh Châu, Công ty TNHH Ngọc Châu. Chủ mới là ông Phạm Tiến Dũng, quê Hải Phòng, vào lập doanh nghiệp ở Cà Mau cuối năm 2011 để mua những doanh nghiệp kia.

Còn ở tỉnh Sóc Trăng, Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam nợ hơn 1.600 tỷ đồng, chủ cũ là các thành viên trong gia đình ông Lâm Ngọc Khuân đi ra nước ngoài hồi đầu năm, viết thư về giao doanh nghiệp cho 7 ngân hàng chủ nợ. Ngày 5/11, các ngân hàng đề cử ông Trần Văn Trí (nguyên Tổng giám đốc Công ty Bình An) làm đại diện để lo tái cơ cấu theo hướng, các ngân hàng góp vốn và khoanh nợ. Ngày 7/11, ông Trí có quyết định làm Tổng giám đốc.

Thời điểm này, nhiều chủ doanh nghiệp chế biến thuỷ sản bị thua lỗ kéo dài ở Cà Mau, Bạc Liêu vẫn tìm đến ông Phạm Tiến Dũng để mong bán được nhà máy một cách êm ả, nhưng ông Dũng chưa quyết định mua thêm doanh nghiệp nào nữa. Ở TP Cần Thơ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã có 3 nhà máy chế biến cá tra đã phải đóng cửa 2, còn một hoạt động gia công, hiện đang nhờ Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính giúp tái cơ cấu. Giám đốc Phan Bá Tòng cho biết, Thiên Mã nợ hơn 500 tỷ đồng, có 12 trại nuôi cá rộng 100 ha cũng phải nuôi gia công vì không còn vốn hoạt động.

 

Quản trị yếu

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản khi lâm khủng hoảng nợ nần đã lộ ra thực trạng quản trị yếu kém. Ra đời từ quy mô gia đình, phát triển lên doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn hay cổ phần nhưng quản trị vẫn cung cách gia đình, không kiểm soát được các nguồn lực, từ sản phẩm đến tài chính.

Công ty Bình An khi SHB chính thức tham gia tái cơ cấu, phải thuê kiểm toán độc lập và đưa đội ngũ cán bộ mấy chục người vào trực tiếp làm việc, cả tháng trời vẫn chưa xác định được rõ ràng con số nợ nần. Hôm Đại hội cổ đông, ngày 17/10, lãnh đạo doanh nghiệp nói chưa có đủ hồ sơ chứng từ của việc đầu tư xây dựng Viện Nghiên cứu cá tra và chi nhánh bên Mỹ. Một cán bộ của SHB nói với PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam, đi sâu vào thấy tình hình phức tạp hơn dự tính ban đầu. Vì thế, Công ty Bình An được coi là xây dựng nhà máy chất lượng tốt, có thương hiệu và lợi thế thị trường Mỹ, tuy nhiên lãnh đạo mới cũng chỉ dám đặt mục tiêu đến cuối năm nay hoạt động chế biến cá tra đạt khoảng 30% công suất, sau ba năm tích cực mới hy vọng thoát lỗ.

Công ty Bình An đổi chủ ngày 25/8 – Ảnh: Sáu Nghệ

Công ty Phương Nam ở Sóc Trăng, khi gia đình ông Lâm Ngọc Khuân bỏ đi, không ai nắm được nợ nần như thế nào. Có một công ty con xây dựng nhà máy ở huyện Kế Sách, cuối tháng 9 cho biết nợ ngân hàng khoảng 170 tỷ đồng, thêm nợ các nhà thầu trên 30 tỷ đồng. Nhưng đó chưa phải con số cuối cùng. Đại diện 7 ngân hàng chủ nợ chỉ biết nhìn nhau, nên phải nhờ ông Trần Văn Trí đứng ra làm đại diện để hy vọng có một đầu mối tháo gỡ mớ bòng bong.

 Quản trị trong các doanh nghiệp thủy sản là vấn đề lớn và phức tạp. Từ nguồn nguyên liệu đến chất lượng sản phẩm, cả hàng hoá tồn kho và nhiều nguồn lực khác như vốn tài chính, chuỗi cung ứng, kênh phân phối, nhân lực, tất cả phải được quản lý chặt mới không lãng phí và tăng năng lực cạnh tranh.          

>> Một đại diện của VASEP cho rằng, vì quản lý thiếu khoa học, nên khi gặp khó khăn từ bên ngoài, nguồn lực của doanh nghiệp thủy sản vừa tích lũy được đã bị tổn thất nhanh chóng, thậm chí là tiêu tan.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!