Để bám biển Hoàng Sa, Trường Sa hoặc bị dính bão do không kịp vào bờ, ngư dân Quảng Ngãi chỉ còn cách bung dù. Chiêu này có lần đã cứu họ sống sót giữa bão cấp 12.
Kìm máy, bung dù
Giữa biển khơi sóng cả, chỉ một bửu bối có thể cứu ngư dân, đó là dù. Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết: Nhiều năm qua, không có dù thì ngư dân làm sao sống sót trong bão tố.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Xịn khoe chiếc dù gần chục triệu đồng
Một nhóm ngư dân xã Bình Châu vừa cho tàu cập bến Sa Kỳ, kể lại: Hôm trước, tàu đi vô cửa nhưng gió cấp 7 – 8, sóng bít ngang lối và dựng lên như tường thành. Vậy là 2 ông cầm lái, 4 ông ra sau ôm dù cho thuyền… nhảy. Khi tàu vừa trèo lên đụn sóng cao ngất, nó chao đảo và lao đầu về phía gành đá. Người lái phụ hô: “Bung dù nhanh lên!”. Chiếc dù được ném xuống nước, bung ra, kéo chiếc tàu giật mạnh và lướt êm trên sóng. Thay vì bị sóng đánh quay ngang và lật úp, chiếc tàu nhờ dù nên đứng vững. Phụ lái tiếp tục hô: “Cuốn dù!”. Con tàu hàng trăm mã lực gầm lên và lọt vào cửa như tên bắn. Người yếu vía nhìn thấy phải thót tim.
Kế bung dù thoát hiểm được áp dụng vào nhiều trường hợp. Có lúc tìm cách lọt vào cửa nên bung dù, có lúc vì tàu dính bão. Trường hợp khác, neo tàu giữa đại dương, buông neo vài chục mét dây nhưng không tới đáy biển, cũng phải bung dù.
Chiếc dù may bằng vải chắc, rộng 20 – 30m, nhìn ngoài không khác dù của phi công. Dù của phi công được may kín, không để lọt gió. Còn dù của ngư dân được ném xuống biển nên giữa đỉnh dù khoét lỗ để giảm áp lực của nước khi bị kéo căng. Không có dù, sóng lớn có thể sẽ lật thuyền.
Bão cấp 12 cũng bung dù
Cách bờ hàng trăm hải lý, không mấy chiếc tàu nghe tin bão mà chạy vào bờ. Bởi chi phí đi về hàng trăm triệu đồng; “nếu cứ vào bờ thì bán nhà mà trả nợ”, các ngư dân cho hay. Trước tình cảnh đó, chiếc dù trở thành phao cứu sinh. Ông Thành, một ngư dân nói: “Tàu mà không có dù, cả ngàn ngư dân chúng tôi chết ngoài biển từ lâu”.
Ông Bảo, một ngư dân ở xã Bình Châu kể: Trong một chuyến đi Hoàng Sa, tàu ông dính bão. Bão đổi hướng đột ngột, anh em biết không thể nào chạy kịp nên kiếm chỗ bung dù. Gió cấp 9 – 10 như muốn xé toang con tàu với hàng chục ngư dân. Tính mạng chừng ấy người chỉ còn trông vào chiếc dù và tay lái của thuyền trưởng. Trong hoàn cảnh ấy, thuyền trưởng phải luôn cho mũi tàu nằm vuông góc và chếch với sóng bổ một góc vừa phải. Nếu tàu quay ngang thì bị cuốn chìm ngay.
Lúc này, dù được thả xuống trước mũi tàu, chứa đầy nước nên dìu tàu vững chãi đi trên sóng. Không thể quan sát sóng bổ bằng mắt thường, trong đêm tối, thuyền trưởng phải gắn đèn chớp lên mũi tàu. Mũi tàu đối chiếu với kim la bàn, tàu xoay ngang thì thuyền trưởng bẻ lái. Cả đêm gánh chịu bão. Một chiếc dù bị đứt, chiếc thứ hai đã cứu được ngư dân thoát chết trở về.
Ở nhiều vùng biển Quảng Ngãi, chiếc dù thoát hiểm được nói chệch thành “cái dòm”. Ngư dân nhảy dù là chuyện khá thường xuyên. Trong bão Chan Chu 2006, biết không chạy kịp vào bờ, tàu ông Trần Đình Trung (xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) phải neo giữa biển. Mười thuyền viên tàu ông Cao Tận cũng bỏ tàu nhỏ hơn, nhảy sang tàu ông Trung, hy vọng sống lớn hơn. Gió trên cấp 12. Sóng phủ từ nóc, như búa tạ đập phá tàu. Ngư dân khóc than, chân tay cứng đờ, có người tè ra quần vì sợ. Cuối cùng, chiếc dù đã cứu được ngư dân trên 2 con tàu.
Xã Nghĩa An có gần 1.000 tàu cá. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Xịn, thuyền trưởng một tàu đánh bắt xa bờ cho biết: Tàu nào cũng có dù. Tàu của Xịn đang phơi một chiếc dù gần 30 đai, trị giá gần 10 triệu đồng.
Dù được may nhiều đai bằng da loại tốt. Đai da như bộ xương để dù chịu được sức căng khi gặp bão giữa trùng khơi. Mỗi tàu lớn ra khơi thường mang theo 3 chiếc dù; nếu một chiếc bị bứt thì phải ném chiếc khác.
Nhảy dù bốn ngày
Thuyền trưởng Nguyễn Hận giảng giải: Khi gặp bão, phải luôn giữ mũi tàu vuông góc với sóng bổ, máy tàu chạy gần hết ga hết số. Nếu tàu bị xoay ngang thì chìm liền. Khi bung dù xuống trước mũi tàu, con tàu trôi lùi và dù như chiếc túi chứa đầy nước đang căng phồng phía trước. Nếu tàu dính tâm bão cấp 10 – 11, ngư dân cùng lúc ném xuống trước mũi tàu 2 chiếc dù, chiếc có dây dài 50 mét trong tư thế hơi chìm, chiếc có dây dài 30 mét thì hơi nổi. Hai túi nước này giữ cho tàu thăng bằng trong gió to, sóng dữ.
Năm 2008, huyện Lý Sơn có 24 ngư dân thoát chết nhờ bung dù. Họ đi trên tàu 200 CV của ông Nguyễn Lộc và tàu QNg 66308 TS của ông Nguyễn Văn Thiện. Đài báo bão số 9, tàu ông Lộc lao về đảo Lý Sơn. Khi tàu còn cách đảo 70 hải lý, gió bắt đầu cuồn cuộn, tàu như sắp bị nhấn chìm. Trước tình thế nguy cấp, ông Lộc quyết định trụ lại giữa biển và hô: Bung dù! Cùng lúc đó, tàu cá QNg 66308 TS của ông Nguyễn Văn Thiện (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn), trên tàu có 14 ngư dân cũng chạy vào bờ; cách bờ 7 hải lý thì tàu gặp sự cố.
Ngư dân Nguyễn Văn Thiện (áo sọc) kể chuyện bung
Ông Thiện nhớ lại: Cứ tưởng một giờ nữa thì tới đảo. Nhưng sóng quá lớn. Tàu tiếp tục bị dạt ra, cách đảo hơn 70 hải lý. Sóng biển phủ ướt máy Icom, đứt liên lạc giữa biển. Vậy là ngư dân phải bung dù và sống cùng sóng dữ. Trong đất liền nhận được tin 2 tàu chạy về nhưng chờ mãi chẳng thấy. Sau 4 ngày tuyệt vọng, người nhà ngư dân chuẩn bị bàn thờ. Cuối cùng, 24 ngư dân trên 2 tàu đều về được. Họ cuốn dù, lại mở biển ra khơi.