Những bức tranh này mỗi năm chỉ thấy bán một lần, vào những ngày cận Tết hay đầu tháng Giêng. Và cũng chỉ xứ Huế mới có. Qua 5 thế kỷ, các nghệ nhân làng Lại Ân (xã Phú Mậu, H. Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) vẫn còn giữ được các mộc bản cổ hơn 500 năm tuổi.
Tranh thờ Táo quân chỉ bằng tờ giấy A4, trên loại giấy bổi rất mỏng
Giữa tháng Chạp, không nơi nào có được những gian hàng bán tranh thờ Táo quân như ở Huế. Bức tranh nho nhỏ, chỉ lớn bằng tờ giấy A4, trên loại giấy bổi rất mỏng. Tranh vẽ hình Táo bà ngồi giữa 2 Táo ông, chung quanh có văn phòng tứ bửu. Từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, mọi nhà đều mua bức tranh thờ này cùng với bộ 3 ông Táo đất, để thờ trên gian bếp gia đình.
Tranh thờ tượng Bà
Tranh tượng “Bà” cũng do các nghệ nhân ở làng Lại Ân làm ra. Hàng mấy thế kỷ qua nó đã được bán vào dịp cận Tết, đầu tháng Giêng, để sử dụng trong lễ tục thờ Bà (Mẫu) của người phụ nữ Huế. Theo sách “Ô Châu Cận Lục: “Khi người dân “Đàng Ngoài” đưa gia đình vào định cư tại hai châu Ô và Lý, nhà nhà đều thờ Bà (Mẫu). Họ tin tưởng thờ Bà như vậy thì người phụ nữ trong gia đình sẽ được khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn. Tranh vẽ hình “Mẫu” ngồi trên lưng con cá chép hoặc con voi trắng. Người mua tùy theo tháng sinh của mình để chọn tranh vẽ số thị nữ đứng hầu. Từ 1 đến 12 cô, tương ứng 12 tháng/năm. Cả hai thứ tranh này mỗi năm chỉ bán một lần.