Thời gian gần đây, giá thức ăn chăn nuôi và phân bón liên tục nhảy vọt khiến nhiều nông dân ĐBSCL như ngồi trên lửa, bởi chi phí giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá nhiều mặt hàng nông thủy sản không theo kịp…
Liên tục nhiều ngày qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng vọt khiến hàng loạt hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL như ngồi trên lửa. Ông Trần Văn Long, hộ nuôi cá lâu năm ở huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Thời gian qua, người dân ở Hồng Ngự nuôi cá tra quanh năm và đây là nguồn thu chính của nhiều hộ. Tuy nhiên, vài năm qua cá tra giảm giá, khó tiêu thụ khiến nhiều hộ thua lỗ. Nay, giá cá tra nhích lên được 21.000 – 22.000 đồng/kg, nhưng đến lượt thức ăn tăng giá cao hơn nữa, từ đó tạo thêm gánh nặng cho người nuôi…”.
Giá thức ăn tăng quá cao khiến hộ nuôi cá ở ĐBSCL lo lắng. Ảnh: H.Thu
Cùng nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Tấn, hộ nuôi cá tra lâu năm ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang), thở dài: “Hiện tại hầu hết các loại thức ăn cho cá tra ở ĐBSCL như: Con Cò, Việt Thắng, Cỏ May, Nam Việt, Greenfeed… được các nhà máy và đại lý bán ra dao động khoảng 11.300 – 11.500 đồng/kg, đây là mức giá rất cao đối với người nuôi cá. Với tình hình này thì chi phí nuôi cá tra đã nhảy vọt lên 24.000 đồng/kg, trong khi giá cá thương phẩm mà các doanh nghiệp mua cao nhất cũng chỉ 22.000 đồng/kg trở lại. Điều này cho thấy hàng loạt hộ nuôi cá tra xuất khẩu ở ĐBSCL tiếp tục khốn đốn”.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy (Hậu Giang), cho rằng người nuôi cá tra ở địa phương thời gian qua luôn gặp khó về giá cả. Với giá cá tra hiện tại khoảng 20.000 đồng/kg thì người nuôi không có lời. Trong khi giá thức ăn cho cá liên tục tăng nên người nuôi cá càng gặp khó, nhất là khi giá cá xuống thấp, doanh nghiệp chần chừ chậm thu mua thì người nuôi càng khốn đốn.
Tại Hậu Giang, diện tích nuôi cá tra nhiều tập trung chủ yếu ở thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác quản lý các nguồn thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản để góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường, duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu.
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi heo, nuôi gà… cũng mất ngủ vì giá thức ăn tăng. Ông Nguyễn Văn Minh, hộ nuôi heo ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Khoảng 4 tháng nay, giá thức ăn nuôi heo, nuôi gà tăng đến 5 lần và không biết bao giờ mới ổn định. Cứ chiều hướng thức ăn tăng như vầy thì chi phí đầu vào của nghề nuôi heo sẽ đội lên từ 3 – 4 triệu đồng/tạ heo; cộng với các khoản chi phí khác thì người nuôi khó có lãi…”.
Hiện nay, dù giá heo hơi ở mức trung bình khoảng 75.000 đồng/kg nhưng chi phí đầu tư lại tăng lên rất nhiều. Nhiều hộ nuôi heo trong tỉnh Hậu Giang cho biết giá heo giống dao động từ 2,5 – 2,7 triệu đồng/con, trong khi chi phí thức ăn liên tục tăng, chưa tính tiền thuốc men, tiền tiêm phòng bệnh nên người chăn nuôi đối mặt quá nhiều rủi ro. Trong khi thị trường heo hơi có thể biến động tăng giảm nhanh chóng, khó lường trước được, chưa kể dịch bệnh còn tiềm ẩn.
Nguyên nhân khiến giá thức ăn nhảy vọt, được các nhà máy chế biến ở ĐBSCL lý giải là do nhiều loại nguyên liệu đầu vào như bột mì, bánh dầu đậu nành, các loại hạt ngũ cốc… tăng mạnh; cùng với giá cước của các hãng tàu tăng, làm chi phí đầu vào của quá trình sản xuất thức ăn tăng.
Trong khi đó, giá phân bón ở ĐBSCL gần đây liên tục phi mã và nguyên nhân được cho là tác động bởi giá phân bón trên thế giới tăng, cùng các chi phí vận chuyển, nguyên liệu nhập khẩu… đều tăng. Ngoài ra, dịch Covid-19 đã làm cho việc nhập khẩu một số loại phân bón gặp khó khăn, từ đó đẩy giá nhích lên. Hiện tại, phân bón DAP xanh Hồng Hà (Trung Quốc) được các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở ĐBSCL bán ra từ 840.000 – 850.000 đồng/bao (50kg), tăng khoảng 240.000 – 250.000 đồng/bao so với thời điểm cuối năm 2020. Giá các loại phân urê sản xuất trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau và nhiều loại nhập khẩu từ Trung Quốc, Malaysia… hiện ở mức 450.000 – 510.000 đồng/bao, tăng từ 100.000 – 150.000 đồng/bao…
Ông Trần Văn Khoa, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ), trăn trở: “Vụ lúa Đông xuân vừa thu hoạch xong được mùa, được giá nên ai cũng vui vì có lãi khá. Tuy nhiên, vụ Hè thu 2021 này không ít hộ đâm ra lo bởi giá phân bón đang tăng kỷ lục. Điển hình như các vụ lúa Hè thu trước, nông dân mua phân urê các loại chỉ ở mức khoảng 300.000 – 350.000 đồng/bao, nay giá vọt lên 455.000 đồng/bao. Nhưng đây là mua tiền mặt, chứ còn mua thiếu đến cuối vụ lúa mới thanh toán thì giá sẽ cao hơn vài chục ngàn đồng. Đặc biệt, phân DAP xanh Hồng Hà (Trung Quốc) tăng mạnh nhất từ 600.000 – 620.000 đồng/bao lên 850.000 đồng/bao. Thế là nông dân phải chuyển sang sử dụng loại DAP nhập khẩu từ Philippines với giá thấp hơn là 750.000 đồng/bao”. Theo ông Khoa, cùng với phân bón thì giá nhiều loại nguyên nhiên liệu và vật tư đầu vào khác như: lúa giống, xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật… cũng tăng. Do đó, chi phí giá thành sản xuất của vụ Hè thu 2021 ước tăng thêm từ 400.000 – 500.000 đồng/công, tạo gánh nặng cho nông dân trồng lúa.
Để ứng phó với tình hình phân bón tăng cao, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ khuyến cáo, nông dân cần bón phân cân đối giữa đạm, kali và lân; chú ý điều chỉnh giảm lượng phân đạm phù hợp từng khu vực đất, tránh để cây lúa quá tốt, quá xanh, sẽ dễ phát sinh sâu bệnh; vừa tốn nhiều tiền phân bón, vừa tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật. Song song đó, nông dân cần thực hiện tốt việc xử lý đồng ruộng bằng phẳng, nguồn nước tưới thuận lợi nhằm giúp cây lúa hấp thu tốt phân bón, chú ý gieo sạ thưa, tiết kiệm giống… Đặc biệt là cần đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đây là vấn đề quan trọng trong điều kiện vật tư tăng. Ngoài ra, các địa phương nên tăng cường hỗ trợ nông dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác và mô hình cánh đồng lớn, để kết nối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, các nhà cung cấp vật tư có uy tín… nhằm mua phân bón với giá gốc, tránh các chi phí trung gian.
Đối với cá tra, theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, khoảng 2 năm nay giá cá tra ở mức thấp và nay thức ăn tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho người nuôi cá ĐBSCL. Với tình hình bất lợi hiện nay, ngành chuyên môn không khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích, sản lượng; mà cần tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao chất lượng cá, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch để cung ứng cho các thị trường xuất khẩu khó tính với giá cao. Song song đó, khuyến cáo nông dân chỉ nuôi cá khi có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy chế biến thức ăn… nhằm ổn định đầu ra và được hỗ trợ thức ăn với giá sỉ, chất lượng; không nên nuôi tự phát, nhỏ lẻ sẽ dễ gặp rủi ro.
Tại An Giang, thành phố Cần Thơ… nhiều hộ nuôi cá tra cho biết do tình hình thức ăn quá cao nên nông dân đang chuyển hướng sang “nuôi gia công” cá tra cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo đó nông dân có ao hầm sẵn, nên chỉ việc đầu tư con giống, nhân công… riêng phần thức ăn thì phía công ty liên kết sẽ cung cấp. Đến khi cá nuôi đạt trọng lượng quy định, phía công ty sẽ thu mua lại toàn bộ và nông dân được chi trả tiền công, không bị lỗ. Còn tại Hậu Giang, ngành nông nghiệp tỉnh cho biết sẽ phát triển đồng bộ, toàn diện các vùng, khu vực nuôi thủy sản phù hợp, các vùng nuôi thâm canh ứng dụng kỹ thuật tiên tiến hiện đại, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tiếp tục áp dụng các quy trình nuôi tiêu chuẩn vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm trong thời buổi giá thức ăn tăng cao.