Kéo giảm giá phân bón giúp nông dân giảm chi phí

Chưa có đánh giá về bài viết

Thời gian qua, giá nhiều loại phân bón liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, gây khó khăn cho nông dân, trong khi giá cả đầu ra nhiều loại cây trồng giảm thấp và khó tiêu thụ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trước tình hình này, đòi hỏi các bên liên quan cần tích cực vào cuộc triển khai kịp thời các giải pháp hiệu quả kéo giảm giá phân bón, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Giá phân bón tăng cao kỷ lục

So với cách nay hơn 1 tháng, giá nhiều loại phân bón Urê, DAP, Kali… đã tăng thêm 10.000 – 30.000 đồng/bao (50kg) và đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua.

Ngày 17/8, các loại Urê (đạm) như Đạm Phú Mỹ, Ninh Bình, Đạm Cà Mau tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL… có giá bán lẻ lên đến 610.000 – 650.000 đồng/bao. Mức giá này đã tăng tổng cộng hơn 80% so với hồi đầu năm 2021 và tăng gần 100% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhiều loại phân DAP, NPK và Kali cũng đã tăng từ 60 – 80% trở lên so với hồi đầu năm 2021 và ở mức cao chưa từng thấy.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp vùng ĐBSCL, giá NPK 20-20-15 Ba Con Cò, NPK 20-20-15 Đầu Trâu và NPK 20-20-15 +TE Đầu Trâu ở mức từ 750.000 – 780.000 đồng/bao. Giá DAP Đình Vũ  (Việt Nam) đang ở mức 760.000 – 780.000 đồng/bao, DAP Philippines giá 810.000 – 830.000 đồng/bao, nhiều loại DAP nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc có giá lên đến 870.000 – 900.000 đồng/bao. Còn giá nhiều loại phân bón Kali cũng khá cao, với từ 500.000 – 620.000 đồng/bao.

Phân bón được bày bán tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Thời gian qua, giá phân bón thế giới đã tăng mạnh và giá các loại nguyên liệu nhập khẩu, cùng nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trong nước như điện, xăng dầu, tiền thuê nhân công… cũng tăng, tác động đến giá phân bón trong nước. Nhiều cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ cho biết, đầu năm đến nay, các doanh nghiệp sản xuất và đầu mối nhập khẩu, phân phối phân bón đã liên tục điều chỉnh tăng giá bán nên cửa hàng bán lẻ cũng phải tăng giá theo. Các đầu mối cung cấp phân bón không chỉ nêu nguyên nhân tăng giá bởi giá thành sản xuất phân bón trong nước tăng, cũng như giá các loại phân nhập khẩu tăng mà còn do chi phí vận chuyển tăng mạnh. Dịch COVID-19 đã làm cho việc xuất nhập khẩu và vận chuyển phân bón từ địa phương này sang địa phương khác gặp khó so với trước đây và phát sinh thêm chi phí, khiến giá bán phân bón đội lên thêm. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Phượng, chủ Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Phượng ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, trong những tháng đầu năm 2021, giá phân bón đã tăng mạnh so năm trước nhưng nhờ bán được giá cao và đầu ra nhiều loại nông sản khá thuận lợi nên sức tiêu thụ phân bón vẫn khá tốt. Nhưng gần đây, giá phân bón tiếp tục tăng mạnh, dịch COVID-19 lại diễn biến phức tạp, giá lúa và nhiều loại trái cây, rau màu bị rớt giá, kéo theo sức tiêu thụ phân bón bị giảm rất mạnh. Cửa hàng cũng gặp khó trong việc thu hồi tiền nợ vật tư nông nghiệp của nông dân, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, rất mong giá phân bón sớm điều chỉnh giảm trở lại.

 

Cần sự vào cuộc của các bên

Giá phân bón tăng cao, trong khi giá nhiều loại nông sản lại không tăng, thậm chí còn bị giảm mạnh và khó tiêu thụ là rủi ro rất lớn cho người làm nông và họ khó chịu đựng được lâu dài. Nhiều nông dân kiến nghị, ngành chức năng khẩn trương vào cuộc để có giải pháp kéo giảm ngay giá các loại phân bón, đặc biệt là phân Urê vốn không còn phải phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu vì các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất có dư để xuất khẩu. Cần tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường phân bón để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón cần chia sẻ khó khăn với nông dân, đừng quá chú trọng lợi nhuận trước mắt mà có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nông dân và nền sản xuất nông nghiệp nước nhà. Doanh nghiệp cần cắt giảm chi phí để hạ giá thành sản xuất; cân nhắc trong việc xuất khẩu phân bón, ưu tiên dành nguồn hàng phục vụ nhu cầu trong nước, có các chương trình bán hàng ưu đãi, hỗ trợ cho nông dân…

Anh Nguyễn Ngọc Thuận ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm rồi mua phân Urê chỉ ở mức 330.000 đồng/bao, nay phải mua tới 650.000 đồng, giá tăng chưa từng thấy. Còn mỗi bao phân DAP nông dân phải bỏ ra gần một triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, nông dân rất khó duy trì sản xuất, khi giá đầu ra nhiều loại nông sản đang giảm thấp. Ngành chức năng cần có giải pháp kéo giảm giá phân bón và hỗ trợ nông dân tiêu thụ kịp thời các loại nông sản. Hiện tôi và nhiều nông dân chỉ biết đối phó bằng cách cố gắng hạn chế tối đa việc bón phân cho lúa và các loại cây trồng trong vụ sản xuất thu đông này”.

Theo ông Dương Thanh Phong ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, đa phần nông dân không có điều kiện mua phân bón dự trữ sẵn và phải nợ tiền phân bón của cửa hàng vật tư nông nghiệp đến thu hoạch mới có tiền thanh toán nên thường chịu thiệt về giá. Bởi khi có nhu cầu, dù giá phân bón tăng cao vẫn phải mua và thường chịu thêm khoản chênh lệch tăng thêm vài chục ngàn đồng mỗi bao phân so với mua tiền mặt. Ông Phong mong Nhà nước và các doanh nghiệp có giải pháp và chương trình hỗ trợ nông dân mua phân bón với giá tốt hơn, không phải mua qua nhiều khâu trung gian. Hiện nay, nếu doanh nghiệp xuất khẩu được phân bón với giá cao thì theo lẽ thường sẽ không chịu bán hàng trong nước với giá thấp. Tuy nhiên, vì sự phát triển chung của nền nông nghiệp nước nhà, doanh nghiệp hãy chia sẻ khó khăn với nông dân.

>> Tại cuộc họp mới đây giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với Bộ Công Thương bàn giải pháp bình ổn giá phân bón, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các doanh nghiệp rà soát khả năng sản xuất theo công suất thiết kế của nhà máy và tình hình cung ứng, tiêu thụ và chủ động có kế hoạch tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong mọi tình hình. Từ đó đảm bảo nguồn cung, tránh trường hợp thiếu nguồn cung sẽ tác động đến giá cả đầu ra. Song song đó, các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn nông dân các giải pháp sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường sản xuất và sử dụng các loại phân bón hữu cơ, giảm sức ép phụ thuộc vào phân bón vô cơ.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Nguồn: Báo Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!