T2, 06/07/2020 09:47

Đồng hành cùng ngư dân, vì lợi ích ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ và dịch vụ thủy sản trong năm qua gặp không ít khó khăn thách thức. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, Hội Nghề cá Việt Nam (HNCVN) đã kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc trong sản xuất- kinh doanh của hội viên, ngư dân… để kiến nghị với các Bộ, ngành chức năng có biện pháp giải quyết.

Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam:

Trong Luật Thủy sản vẫn chưa khẳng định được vai trò của các cấp hội nghề nghiệp. Để khẳng định được vị trí của mình, Hội cần có sự quan tâm và giao nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT để đưa chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với ngư dân. Bên cạnh đó, cũng cần có sự nỗ lực tự thân để HNC VN ngày càng hoạt động chuyên nghiệp hơn, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngư dân; tham mưu với Nhà nước để xây dựng các chính sách thiết thực với nông, ngư  dân.

 

 

Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam:

Trong hoạt động khai thác thủy sản, năm 2011, Hội sẽ tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp; tổ chức sắp xếp lại lực lượng khai thác thủy sản xa bờ, gắn kết các khâu khai thác, dịch vụ hậu cần, tiêu thụ sản phẩm; khai thác đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

 

 


Từ những rào cản

Ngay vào những tháng đầu năm, Nghề cá Việt Nam đã trải qua không ít sóng gió, gây tổn hại không nhỏ đến sản xuất cũng như tâm lý của hội viên, ngư dân. Trước hết là Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông từ 15/6-1/8/2010, tàu phải nằm bờ dài ngày, nhiều tỉnh bị thiệt hại hàng tỷ đồng, các hành động khác của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động khai thác của ngư dân. Ngay khi có thông tin này, Hội đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng có biện pháp can thiệp giúp đỡ, kịp thời, bảo vệ ngư dân; đồng thời, Hội có văn bản gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam phản đối phía Trung Quốc bắt giữ trái phép ngư dân khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta.

Những tháng tiếp theo, người nuôi cá lại vướng phải nỗi lo về dịch bệnh khi tôm, cá tại một số nơi thuộc ĐBSCL chết hàng loạt dẫn đến hiện tượng “treo hầm, bỏ ao” thời gian dài. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu những tháng đầu năm có nhiều biến động, việc tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, mối liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi chưa ổn định. Biến động cũ vừa đi qua, thì đến cuối tháng 11/2010, nghề cá Việt Nam lại “bị” một phen lao đao khi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đưa cá tra Việt Nam vào “danh mục đỏ” trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản ở một số nước châu Âu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu thụ cá tra Việt Nam.

Ngay lập tức, HNC VN đã có những phản kháng mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến. Bằng những tài liệu, chứng cứ với khung pháp lý vững chắc, Hội đã cùng Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT, VASEP làm việc với WWF và khẳng định việc làm của WWF là thiếu tính khoa học và vô lý. Tại cuộc họp báo, HNC VN đã yêu cầu WWF dỡ bỏ ngay vô điều kiện đối với cá tra Việt Nam ra khỏi “danh mục đỏ” vì việc làm của WWF 6 nước châu Âu đã khiến danh dự người nuôi cá tra Việt Nam bị bôi nhọ, lòng tự trọng của ngành thủy sản Việt Nam bị tổn thương; cùng với đó là một số người tiêu dùng 6 nước châu Âu bị thiệt hại quyền lợi, ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam và các nước.

 

Lãnh đạo Hội nghề cá Việt Nam tham quan một mô hình nuôi tôm ở Cần Thơ        Ảnh: Phan Thanh Cường

Vững vàng bước tới

Khó khăn dường như nối tiếp trong năm 2010, nhưng để bước vào sân chơi của nền kinh tế thị trường đầy biến động, HNC VN đã cùng hội viên, ngư dân hăng hái sản xuất, đấu tranh xóa bỏ “rào cản” thương mại để khẳng định uy tín thương hiệu cũng như chất lượng thủy sản Việt Nam. Các hội viên thuộc Tỉnh hội tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức lại sản xuất, đánh bắt và hậu cần, dịch vụ theo đội tổ. Mô hình đánh bắt hải sản theo tổ, đội ra đời đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của bà con ngư dân nghề biển, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phù hợp với nguyện vọng của ngư dân. Mô hình này còn khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau của ngư dân trong việc tìm kiếm ngư trường khai thác, hỗ trợ vốn cho sản xuất…. góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động sản xuất trên biển, giúp cho ngành khai thác hải sản có nhiều chuyển biến tích cực, một số tỉnh Hội thực hiện khá tốt công tác này như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Kiên Giang… Hoạt động của HNC VN đã góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển và thực hiện thắng lợi chương trình phát triển kinh tế của ngành thủy sản Việt Nam.              

Trong sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị thành viên của Hội hoạt động hiệu quả như Trung tâm FITES, Công ty CP XNK Côn Đảo, Công ty CP Vĩnh Thịnh, Công ty TNHH Hùng Cá… Các hội viên doanh nghiệp đã tích cực chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; hướng dẫn cho hội viên sản xuất, chế biến những mặt hàng có giá trị phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Ngoài việc đảm bảo sản xuất, kinh doanh cho hội viên, HNCVN luôn là thành viên tích cực tham gia, phối hợp hoạt động công tác với các tổ chức phi chính phủ như Mạng lưới An ninh lương thực và giảm nghèo CIFPEN, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam…

Nhằm củng cố và phát triển tổ chức Hội, trong năm 2010 HNC VN đã thành lập 2 Trung tâm trực thuộc Trung ương hội, kết nạp thêm 6 đơn vị hội viên tập thể, vận động thành lập 2 tỉnh hội, nâng con số tỉnh hội thành viên là 32 đơn vị; 70 đơn vị hội viên tập thể; 18 ban, đơn vị, văn phòng…Với lực lượng hội viên đông đảo, HNCVN đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khuyến nông – khuyến ngư, viện, trường để đào tạo, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KH-CN cho ngư dân, hội viên. Năm qua, Hội xây dựng được 5 mô hình trình diễn tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cà Mau…

Tuy nhiên, với những gì đã và đang đạt được, HNC VN vẫn còn những tồn tại trong công tác chỉ đạo điều hành khi mà các cấp Hội chưa thực sự sâu sát cơ sở, hình thức hoạt động chưa hiệu quả. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn kinh phí hạn hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Hội. Vì vậy, để có thể phát huy vai trò của mình, trong năm 2011, HNC VN đã đề ra những kế hoạch cụ thể trong xây dựng tổ chức, phát triển hội viên, tích cực tham gia bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và đẩy mạnh sản xuất, hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại,…

Gia Bảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!