Đồng lòng cùng ngư dân giữ biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Mấy tháng nay, ngư dân các tỉnh ven biển nước ta phải gánh chịu rất nhiều bất lợi từ điều kiện thời tiết, sự quấy nhiễu, cướp bóc tài sản của tàu thuyền Trung Quốc. Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh), cùng chia sẻ tâm tư tình cảm…

Người nuôi thủy sản ven biển đang phải đối diện những khó khăn, trở ngại gì đáng kể nhất, thưa ông?

Năm nào nước ta cũng phải chịu đựng, đối phó khoảng 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nhiều người dân phải bỏ mạng giữa biển khơi khi đang khai thác do bị chìm tàu, thiệt hại về người và của cải ngày càng tăng. Cùng đó, đối với người nuôi trồng thủy sản, vấn đề dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp, khó lường, gây khó khăn cho người nuôi, tạo tâm lý hoang mang, không còn niềm tin tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng và cải thiện diện tích nuôi trồng. Đó là bởi, sau mỗi lần dịch bệnh, ngư dân đã bị thiệt hại tới hàng chục tỷ đồng; nhiều hộ đã bỏ nuôi, chuyển sang nghề khác.

Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng còn nhiều bất cập; vốn vay không đến kịp thời; người dân không còn đủ vốn để khắc phục thiệt hại trong nuôi trồng, đóng mới tàu thuyền, sắm thiết bị cần thiết cho mỗi chuyến ra khơi. Đánh bắt xa bờ đòi hỏi phải có vốn lớn mới chủ động được sản xuất, tạo tính hiệu quả và bền vững trong khai thác thủy sản. Mặt khác, chỉ trong hai tháng qua, xăng dầu đã 5 lần tăng giá và các doanh nghiệp độc quyền kinh doanh xăng dầu còn đang đòi tăng nữa, khiến ngư dân phải hạn chế ra khơi, nhiều tàu phải nằm bờ dài ngày. Ngư dân đánh bắt trên biển còn thường xuyên bị tàu nước Trung Quốc quấy nhiễu, cướp phá tài sản, đe dọa mạng sống…

 Ngoài ra, người nuôi còn phải chịu ảnh hưởng bởi giá hàng thủy sản đã giảm sâu lại bị thương lái chèn ép. Giá cá tra, tôm nguyên liệu giảm nhiều, trong khi giá thuốc, thức ăn, con giống cũng thi nhau tăng…

 

Hội Nghề cá Việt Nam vừa có thêm hoạt động gì nhằm giúp ngư dân yên tâm giữ biển, thưa ông?

Đầu tháng 9/2012, lãnh đạo Hội đã làm việc với các tỉnh hội ĐBSCL, tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân trong tình hình mới. Các tỉnh hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, biện pháp tháo gỡ khó khăn. Thống nhất kiến nghị Chính phủ: Tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm tập trung công nghiệp; tiếp tục cho vay vốn ưu đãi với những hộ đủ điều kiện sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp xử lý dịch bệnh, áp dụng công nghệ mới, để nghề nuôi tôm phục hồi và phát triển bền vững, tiến tới đưa con tôm trở thành sản phẩm quốc gia, cùng nhiều loài thủy sản khác.

Hội cũng đã có nhiều kiến nghị Nhà nước và các tổ chức xã hội, có thêm giải pháp đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Khuyến khích ngư dân liên kết sản xuất, giúp đỡ nhau, giảm thiểu rủi ro trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng công suất máy tàu để tiếp tục bám biển khai thác có hiệu quả; hạn chế tàu nằm bờ; góp phần tích cực phát triển kinh tể biển địa phương và tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo quốc gia.

Đề nghị ngành thủy sản tăng cường công tác điều tra, thống kê nguồn lợi, cung cấp thông tin ngư trường, tạo thuận lợi cho ngư dân khai thác hiệu quả, tránh thiệt hại; các lực lượng bảo vệ trên biển (cảnh sát, bộ đội biên phòng, kiểm ngư…) cần đầu tư thêm thiết bị hiện đại, đủ điều kiện giúp đỡ, bảo vệ, cứu hộ khi ngư dân gặp nạn.

 

Để vượt qua khó khăn như hiện nay, theo ông, ngư dân cần làm gì?

Bên cạnh sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và các tổ chức khác, ngư dân cần thực sự chủ động trong sản xuất; hay nói cách khác, trong lĩnh vực nuôi trồng, người dân cần thông minh hơn trong việc lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, tại những cơ sở sản xuất lớn, có uy tín; không nhập con giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Với lĩnh vực thuốc thú y và thức ăn thủy sản cũng như vậy. Đặc biệt, về vấn đề môi trường sản xuất, người nuôi cần có ý thức tự bảo vệ mình, không xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Khai thác trên biển, ngư dân cần liên kết, tham gia các tổ đội sản xuất, nhất là nghiệp đoàn nghề cá. Đây là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm sản xuất. Mọi người hỗ trợ nhau trong sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau khai thác có hiệu quả nguồn lợi từ biển, góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

>>Cả nước hiện có hơn 4 triệu ngư dân. Bên cạnh vai trò là những người hăng say lao động sản xuất, ngư dân còn thuộc lực lượng đi đầu khẳng định, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo Tổ quốc. Nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân đang phải đối diện vô vàn khó khăn, thách thức.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!