T2, 06/07/2020 10:04

Đóng mới 30 tàu câu hiện đại, “nâng tầm” cá ngừ Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong những năm gần đây, cá ngừ đại dương Việt Nam đã tìm đường sang nhiều thị trường và hiện đã xuất khẩu đến 77 nước trên thế giới, chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản.

Tuy nhiên để đảm bảo phát triển khai thác bền vững và nâng cao chuỗigiá trị của ngành khai thác cá ngừ đại dương đòi hỏi phải tính toán quy hoạch phát triển đội tàu khai thác phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi hải sản, trong đó trước mắt là thí điểm đóng mới 30 tàu câu cá ngừ hiện đại cho ngư dân ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa…

 

Tàu câu nhiều nhưng chưa “tinh”

Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT cho biết, thời điểm năm 2005, cả nước có 1.670 tàu câu cá ngừ đại dương, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là tỉnh Bình Định với 702 tàu, tỉnh Phú Yên 410 tàu, tỉnh Khánh Hòa 420 tàu và khối doanh nghiệp có 45 tàu. Tuy nhiên, trong các năm tiếp theo do nguồn lợi cá ngừ biến động mạnh, cá xuất hiện nhiều nhưng chủ yếu là cá cỡ nhỏ, nên các đội tàu khai thác cá ngừ của các doanh nghiệp bị thua lỗ nặng, phải nằm bờ trong thời gian dài. Do đó đến năm 2011, cả nước chỉ còn khoảng 1.184 tàu câu cá ngừ đại dương hoạt động.

Trong sáu tháng đầu năm 2012, do xuất hiện nghề câu tay cá ngừ (kết hợp với ánh sáng) hoạt động có hiệu quả cao nên nghề câu cá ngừ đã tăng mạnh trở lại, trong đó có nhiều tàu làm nghề chụp mực, câu mực, lưới vây của các tỉnh miền Trung chuyển sang, nâng tổng số lượng các loại tàu khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh nói trên là 2.426 tàu, trong đó tỉnh Bình Định có 1.556 tàu, tỉnh Phú Yên có 578 tàu và tỉnh Khánh Hòa có 293 tàu. 


Phần lớn các tàu này là tàu vỏ gỗ với chiều dài tàu từ 13,5 – 18m, lắp máy loại 45 – 300 mã lực (CV) và được trang bị máy thu dây câu chính, máy định vị vệ tinh, la bàn, thông tin liên lạc. Số ít tàu còn lại của các doanh nghiệp như Tổng Công ty thủy sản Biển Đông, Công ty TNHH Đại Dương…chủ yếu được nhập khẩu từ Nhật Bản vỏ tàu là composit, chiều dài từ 22-27m, lắp máy công suất loại 200 – 750 CV. Tuy nhiên các trang thiết bị phục vụ cho bảo quản sản phẩm trên tàu chưa được chú trọng và hiện chưa có tàu nào trạng bị máy sản xuất đá vảy, hầm bảo quản chủ yếu là ốp xốp (styrofor) và phủ bạt nên chất lượng hầm bảo quản kém, không đảm bảo cách nhiệt và vệ sinh an toàn thực phẩm. “Hầm bảo quản không đảm bảo về cách nhiệt, an toàn vệ sinh thực phẩm kém, phương pháp bảo quản không đúng kỹ thuật, chất lượng nước đá không đạt yêu cầu, thời gian bảo quản dài ngày ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và giá bán của cá ngừ đại dương Việt Nam”, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nêu thực trạng. Đó là chưa kể đến việc trung chuyển cá ngừ từ các cảng cá, bến cá về nơi tập trung đóng gói xuất hàng của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; phương tiện vận chuyển không đảm bảo cách nhiệt cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cá ngừ xuất khẩu.

 

Phát triển đội tàu mới sẽ tạo nên “cú hích”

Để đảm bảo phát triển khai thác bền vững cá ngừ đại dương đòi hỏi phải tính toán quy hoạch phát triển đội tàu khai thác cá ngừ phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi hải sản. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, tới đây để nhận được Giấy phép khai thác cá ngừ bắt buộc các tàu phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và theo số tàu được phân bổ hàng năm.

Do vậy việc thí điểm đóng mới 30 tàu câu cá ngừ hiện đại cho ngư dân ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, theo ông Tám là không chỉ nhằm tạo “cú hích” mới cho nghề câu cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại mà còn để bảo đảm an toàn, hiệu quả cho tàu cũng như điều kiện làm việc cho thủy thủ, quan sát viên trên tàu trên các vùng biển xa bờ.

Theo đó yêu cầu đóng mới 30 tàu này phải tuân thủ các điều kiện về kỹ thuật như vỏ chất liệu là thép hoặc composit, máy trên tàu phải có công suất đủ lớn để hoạt động xa bờ, trang bị đầy đủ máy thả câu, máy thu câu, hệ thống bảo quản phù hợp như hạ nhiệt độ cá bằng nước biển lạnh tuần hoàn, bảo quản cá bằng nước đá đủ chất lượng hoặc cấp đông…Ngoài ra trên tàu phải trang bị hệ thống thông tin liên lạc tầm xa, máy móc cập nhật thông tin dự báo hoặc xử lý ảnh viễn thám để phục vụ công tác dự báo.

Liên quan đến công tác đóng mới 30 con tàu này, hiện nay Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT đang xây dựng cơ chế chính sách, đưa ra các phương án để ngư dân lựa chọn chính sách hỗ trợ đóng tàu (cả vỏ, máy tàu trang thiết bị và ngư cụ). Theo đó,Nhà nước sẽ hỗ trợ một lần bằng tiền giá trị 16 – 20 % giá trị con tàu sau khi dự án đóng tàu hoàn thành hoặc Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay cho 70% giá trị con tàu trong 10 năm, trong đó 5 năm đầu ngư dân được hỗ trợ lãi suất bằng 0%.

Về cơ chế đầu tư đóng tàu, theo đề xuất của Tổng cục Thủy sản, Nhà nước sẽ chỉ định doanh nghiệp đóng tàu thông qua đấu thầu về đơn giá cho toàn bộ lô 30 tàu theo tiêu chuẩn giao cho ngư dân hoặc Nhà nước đưa ra các tiêu chuẩn rồi sau đó ngư dân xây dựng phương án đóng tàu theo kích cỡ vật liệu trang thiết bị, giá thành và được cơ quan quản lý phê duyệt…

Ngoài việc đóng mới tàu, để từng bước xây dựng hình ảnh thương hiệu cá ngừ Việt Nam trên thị trường cá ngừ thế giới, ông Tám cũng cho rằng ngư dân cần thực hiện quản lý khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo các tiêu chuẩn ISO, HACCAP và GAP, đồng thời xem xét xây dựng gắn nhãn sinh thái cho các thương hiệu cá ngừ của địa phương và hướng đến cấp quốc gia (nhãn sinh thái MSC của Quỹ quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên). “Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thông qua Hiệp hội cá ngừ của tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu cá ngừ của địa phương mình thông qua việc quảng bá, duy trì chất lượng cá ngừ đi kèm với việc quản lý nghề cá ngừ bền vững, gắn với công tác bảo tồn và giảm thiểu các đối tượng đánh bắt không chủ ý”, ông Tám nhấn mạnh.

>> Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong sáu tháng đầu năm 2012, giá trị xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang các thị trường trên thế giới tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 286 triệu USD, trong đó Mỹ là thị trường đơn lẻ có giá trị nhập khẩu cá ngừ cao nhất, chiếm tỷ trọng 45%, tiếp đó là thị trường EU với tỷ trọng 18,31% và Nhật Bản chiếm tỷ trọng 13,55%.

Ở Việt Nam, cá ngừ tập trung chủ yếu ở vùng khơi thuộc các tỉnh miền Trung và ngư trường ngoài khơi tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; mùa vụ khai thác được diễn ra quanh năm và được chia thành hai mùa: vụ cá Bắc (vụ chính) bắt đầu từ tháng 11 kết thúc vào tháng 3 năm sau và vụ cá Nam bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, cá ngừ thường xuất hiện ở vùng biển xung quanh Trường Sa…

Trong 6 tháng đầu năm 2012, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương cả nước tăng khá nhanh, đạt 11.703 tấn.

Nguyễn Tiến Dũng

VEN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!