(TSVN) – Nghề nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai đang phát triển rất mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Hiện nay, để phát triển nghề theo hướng bền vững, một số hộ chuyển sang mô hình nuôi tôm càng xanh VietGAP theo hình thức tổ hợp tác xã.
Người tiên phong nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ là ông Lương Văn Thạch. Ông Thạch cho biết, trong một lần tham quan mô hình nuôi tôm càng xanh của huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), ông Thạch đề xuất với Trung tâm Khuyến nông của huyện hỗ trợ 3.000 con tôm giống để nuôi thử nghiệm. Lứa tôm nuôi thử nghiệm đầu tiên phát triển rất tốt, thu hoạch tôm cho giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng rau màu và nuôi cá. Thấy tiềm năng cao, ông Thạch tiếp tục đầu tư thêm 10.000 con tôm giống để thả vào ao nuôi cá của gia đình, nuôi tiếp lần thứ 2 và lại thắng lớn.
Hiện nuôi tôm càng xanh đang dần trở thành nghề chính của nhiều nông dân trong vùng với diện tích khoảng 200 ha, năng suất khoảng 2 tấn/ha, mỗi hécta lời trên 100 triệu đồng, mỗi người dân nuôi tôm càng xanh ở xã Trà Cổ có thể mang về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tôm càng xanh đã giúp nhiều người ở xã Trà Cổ có thu nhập ổn định và giàu lên từng ngày.
Theo Chi cục Thủy sản Đồng Nai, từ năm 2016 đến nay, Chi cục Thủy sản Đồng Nai phối hợp với UBND huyện Tân Phú xây dựng vùng nuôi tôm càng xanh Trà Cổ theo tiêu chuẩn VietGAP cho 36 hộ với diện tích hơn 27 ha, duy trì sản lượng khoảng 140 tấn/năm.
Giai đoạn 2021 – 2025, Chi cục Thủy sản tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển tôm càng xanh, trong đó tập trung các giải pháp phát triển nuôi tôm 2 vụ (so với một vụ những năm trước đây); chuyển giao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về giống, về kỹ thuật nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; khuyến khích mở rộng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cho con tôm.