Hệ sinh thái rừng ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch có tổng diện tích tự nhiên gần 18 nghìn ha. Ngoài việc đánh bắt các loại thủy sản nước lợ, nhiều người dân địa phương đã mở ra cách sản xuất mới, đó là tận dụng nguồn nước lợ để nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: tôm, cua…
Nắng chiều vừa tắt, các hộ nuôi tôm, cua nước lợ ở các xã: Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch) lại bắt đầu đi vào đầm nuôi thủy sản ở sâu trong rừng Sác để kịp giờ kéo lưới đem ra chợ bán vào rạng sáng hôm sau.
Ân huệ của rừng
Hơn 30 phút vượt đường đắp bằng bùn khô, chúng tôi đến được căn chòi nhỏ của ông Võ Văn Lượm (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch), người đã có hơn 25 năm nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn. Căn chòi của ông Lượm được dựng bằng gỗ tràm, lợp lá dừa, bên trong chỉ có vài vật dụng để người canh chòi có thể nấu nướng, ngủ nghỉ.
Ông Võ Văn Lượm cho chúng tôi xem cái “đùm” bắt cua.
“Người dân quanh đây sống nhờ vào ân huệ thiên nhiên ban cho. Nếu không đào cua, bắt ốc… thì thuê mặt nước khu vực sông Thị Vải và Đồng Tranh (thuộc rừng Sác, do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý) với chi phí 1 ha mặt nước 600 nghìn đồng/năm rồi đắp đập, khoanh đầm mà nuôi tôm, cua. Chúng tôi không phải mua thức ăn đổ xuống đầm mà tự tôm, cua phát triển bằng cách ăn các loại thủy sản nhỏ sinh sống trong đầm, như: hến, cá con, ốc…” – vừa đưa chúng tôi đi xem khu vực đầm, ông Lượm vừa nói.
Chi phí đầu tư ban đầu của loại hình nuôi thủy sản này không hề nhỏ. Chỉ tính việc thuê người đắp đất làm đường đi, khoanh đầm cũng mất từ 250 – 300 triệu đồng/ha. Rồi thêm chi phí làm đập bằng bê tông, làm cống đúc cũng phải mất trên 50 triệu đồng, chưa kể việc mua con giống gần 10 triệu đồng cho 3 ha mặt nước. Vì vậy, để tiết kiệm tối đa, nhiều gia đình không thuê thêm người làm mà các thành viên trong nhà sẽ thay phiên nhau ra canh đầm vào ban đêm.
Đập được làm bằng gỗ và bê tông tại một đầm nuôi thủy sản.
“Đường khó đi vậy mà cũng có người ở đâu lẻn vô đây bắt trộm tôm, cua của tụi tui nên hầu hết các đầm nuôi tôm, cua đều nuôi nhiều chó canh chừng. Do diện tích đầm rộng, cộng thêm nguồn chiếu sáng rất hạn chế, phải sử dụng năng lượng mặt trời hoặc máy nổ nên hầu như chỉ có ở khu vực nhà chòi có ánh sáng, còn quanh đầm thì không. Đây cũng là yếu tố khiến việc trộm thủy sản nằm ngoài tầm kiểm soát của tụi tui, không biết bị trộm lúc nào và bị trộm hết bao nhiêu ký tôm, cua” – ông Lượm bức xúc khi nhắc đến việc bị trộm thủy sản làm thiệt hại đến nguồn thu.
Còn theo bà Trần Thị Lê (ngụ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, chủ một đầm thủy sản trong rừng Sác), với diện tích 4,2 ha mặt nước, năm đầu tiên gia đình bà tốn trên 1 tỷ đồng chi phí đắp ao, làm đầm, phí thuê rừng. Trong tháng đầu tiên, bà thả 4 ngàn con cua giống với chi phí gần 8 triệu đồng. Thời gian thu hoạch cua khoảng 3 – 4 tháng. Trong khoảng thời gian đó, bà nuôi thêm 400 con tôm sú. Nhờ vậy, mỗi ngày ra đầm xả nước thu thủy sản cũng đem lại nguồn thu nhập tương đối cho gia đình 4 người của bà.
Nhọc nhằn nuôi gia đình
Lên xuồng theo bà Lê len lỏi giữa rừng đước, chúng tôi mới thấy những chòi canh thủy sản của mỗi đầm cách nhau rất xa. Ở nơi rừng vắng này, nguồn điện chập chờn, nước ngọt thiếu thốn và hơn hết là sóng điện thoại rất yếu, khiến công việc canh đầm trở nên nhàm chán với nhiều người.
Chúng tôi phải bước chân hết sức cẩn thận trên con đường nhỏ được đắp bằng bùn chưa kịp khô để đến với căn chòi nhỏ lợp bằng lá dừa nước của anh Võ Văn Em. Anh cho biết, mọi sinh hoạt của anh đều ở trên chòi này. Nhiều lúc, đến cuối tuần anh mới về nhà một lần do công việc ở đây không ổn định giờ giấc, con nước lên xuống thất thường. Có những lúc nước lên, anh vội vàng ăn chén cơm rồi chạy nhanh ra đập tháo ngăn thoát nước, không nhanh thì con nước sẽ tràn lên bờ, bao nhiêu cá, tôm sẽ mất hết.
Cua bị cột càng trước khi bỏ vào túi – Ảnh: Đ.Tùng
Đưa chúng tôi đến bên đập, anh Em lấy một chiếc lưới dài và cho biết đây là cái “đùm” dùng thu hoạch thủy sản. Cái lưới dài khoảng 20m, được quây kín, có các khung sắt hình vuông bên trong để cố định hình dáng “đùm”, một đầu sẽ được buộc chặt, đầu còn lại mở to và buộc vào miệng cống. Canh con nước lên, chủ đầm sẽ tháo miệng cống để thu tôm, cua theo sức nước lọt vào chiếc “đùm” đó.
“Hầu hết mọi thứ phục vụ sinh hoạt ở đây đều có người chèo ghe luồn rừng đến tận từng chòi canh đầm để bán. Từ cục pin nghe đài đến thùng nước ngọt, cần gì là có đó. Do đường đi khó khăn, các chòi cách nhau rất xa, nước lên thì dùng xuồng, nước xuống thì lội rừng, đạp cành đước mà đi, có chỗ ngập đến ngang hông nên người ở chòi canh đầm bên này cũng ít khi qua chòi bên kia. Khi có chuyện bất trắc xảy ra như bệnh, tai nạn thì phải tự xoay xở chứ không thể kêu ai được” – anh Em tâm sự.
Khoảng 19 giờ, con nước đã dần cạn, chúng tôi theo anh Đoàn Hoàng Nam (ngụ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) ra cửa đập để kéo lưới thu hoạch thủy sản. Sau khi hạ cửa đập, chiếc “đùm” được kéo lên bờ, anh Nam giũ mạnh “đùm” để tôm, cua nằm gọn một chỗ rồi mới xỏ bao tay vào bắt từng con ra phân loại trước khi cho vào túi. Cầm một cái cây gỗ dài, anh lần lượt lôi từng con cua ra, ấn mạnh tay vào chiếc mai của nó để xem thịt cua đã chắc chưa. Đối với những con nhỏ hay cua cái, đang mùa đẻ trứng thì anh thả ngay xuống sông để chúng tiếp tục sinh sôi.
Sau khi phân loại, cua sẽ được cột chặt càng rồi cho vào túi. Những con cua hung hăng giơ càng như thị uy trước những người đang cố trói chúng. Nhưng sau vài động tác khéo léo của anh Nam, những con vật kia đành “thúc thủ”, nằm im trong túi trước khi được đem ra chợ vào hôm sau.
“Bị cua kẹp là điều bình thường. Do kích thước chúng khá to nên lúc phân loại phải hết sức cẩn thận. Lúc thả xuống đầm cũng vậy, nếu không để ý có thể bị cua quay lại kẹp vào chân. Trung bình mỗi buổi tối, gia đình tôi thu được khoảng 3 kg cua và 2 kg tôm sú, với giá bán cho thương lái từ 200 – 300 nghìn đồng/kg. Có hôm kiếm được vài triệu đồng tiền cua, nhưng cũng có lúc chưa được 200 nghìn đồng vì lứa cua chưa kịp lớn, đem bán tiếc lắm” – anh Nam thả một con cua nhỏ xuống đầm rồi cho chúng tôi biết.
>> “Lưới bắt cua sau khi mua theo ký phải thuê gia công may lại với giá từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nhưng chỉ sử dụng khoảng vài lần là bị cua phá hỏng phải thay mới. Một số gia đình tận dụng những lưới cũ rồi sửa lại để dùng tiếp, nhưng cũng không mấy hiệu quả vì cua sẽ nhanh chóng phá nát các mối khâu của lưới” – bà Trần Thị Lê cho hay. |