THỨ BẢY, ngày 26/4/2025

“Đồng quản lý” giúp ngành thủy sản xanh hơn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cả nước hiện có 11 tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó có nhiều địa phương đã thực hiện tốt như: Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng…

Kết quả tích cực

Ngày 18/01/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu đối với lĩnh vực đồng quản lý, đó là 60% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái. 

Để đạt được mục tiêu này, Chương trình đã đưa ra các giải pháp đối với lĩnh vực đồng quản lý. Cụ thể: Tuyên truyền, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý; Hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện đồng quản lý; Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong phạm vi cả nước theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản kết hợp với khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; Hỗ trợ, hướng dẫn cộng đồng xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý,…

Tổ bảo vệ san hô xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn (Bình Định) vớt rác thải dưới vùng biển gần bờ. Ảnh: PV

Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước là Bộ NN&PTNT) đã phát động, lấy năm 2024 – 2025 là “Năm tăng cường thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” với chủ đề: Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì sinh kế của cộng đồng – chung tay vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.

Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, tính đến nay, trên phạm vi cả nước đã có 11 tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với hơn 60 tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; 300 hộ gia đình và 3.500 người tham gia. Một số địa phương thực hiện tốt công tác đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng,…

Việc triển khai mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi tại các địa phương đã thúc đẩy việc bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân địa phương ven biển. Thực hiện đồng quản lý bước đầu đã huy động được sự tham gia của cộng đồng, các cá nhân, tổ chức chung tay cùng Nhà nước bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. 

Người dân nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch tại phá Tam Giang, Thừa Thiên Huế. Ảnh: PV 

Nhận thức của người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được nâng lên, nguồn lợi thủy sản tại một số khu vực đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển. Tình trạng người dân vi phạm các quy định pháp luật về khai thác thuỷ sản đã có xu hướng giảm qua các năm. Từ đó, năng suất khai thác, thu nhập và mức sống của người dân tại một số khu vực thực hiện đồng quản lý dần được ổn định, cao hơn so với trước đây. 

Rào cản cần sớm tháo gỡ

Cục Thủy sản và Kiểm ngư nhận định, nhìn chung, các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gắn với mô hình chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân đã được các địa phương triển khai và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn còn tồn tại, hạn chế, chủ yếu đang dừng ở mức độ triển khai thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. 

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản sau khi được công nhận và giao quyền của tổ chức cộng đồng còn hạn chế. Trong khi sinh kế cho người dân tham gia thực hiện đồng quản lý chưa ổn định, thiếu tính bền vững. Ngoài ra, kinh phí hoạt động của tổ chức cộng đồng chưa đáp ứng nhu cầu, đa số các tổ chức cộng đồng chưa có nguồn thu ổn định.

Hoạt động khai thác trái phép, vi phạm quy định về khai thác thủy sản của những người không tham gia/người ngoài tổ chức cộng đồng tại khu vực đồng quản lý còn xảy ra mà chưa xử lý được. Hơn nữa việc tổ chức thực hiện tại một số địa phương và cộng đồng còn khó khăn. Năng lực của cộng đồng còn hạn chế, việc xây dựng hồ sơ và tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật thời gian đầu cần được hỗ trợ.

Để nâng cao hiệu quả của đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề xuất cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì sinh kế của cộng đồng – chung tay vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững. Cùng với đó, thiết lập mạng lưới, kết nối, chia sẻ thông tin, nguồn lực giữa các tổ chức cộng đồng và các bên liên quan tham gia thực hiện đồng quản lý.

Thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam để có nguồn lực hỗ trợ tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý tại các địa phương. Ngoài ra, cần hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực tổ chức thực hiện phương án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được công nhận, đặc biệt là kế hoạch duy trì và phát triển sinh kế cho cộng đồng khi thực hiện đồng quản lý.

Thùy Khánh

Thừa Thiên Huế là địa phương triển khai các mô hình đồng quản lý khá sớm so với cả nước. Ngay khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh các Khu bảo vệ thủy sản được thành lập trước đây và xác lập thành 22 Khu với tổng diện tích 11,639.09 ha, chiếm 53% diện tích đầm phá. Trong đó 11,024.89 ha là diện tích vùng khai thác chung và 614,2 ha là diện tích bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) chiếm 2,8% tổng diện tích đầm phá. 

Việc thành lập các Khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được giao cho các Tổ cộng đồng là các Chi hội Nghề cá cấp cơ sở quản lý. Sự thành công của các mô hình đồng quản lý tại đây đã góp phần làm giảm áp lực lên khai thác nguồn lợi tự nhiên, giảm xung đột trong cộng đồng ngư dân làm nghề khai thác hải sản, giữa người dân với chính quyền địa phương. Hiện tại, vùng đất ngập nước trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được người dân khai thác và nuôi trồng thủy sản dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Người dân vừa được cải thiện đời sống, vừa cam kết chung tay bảo tồn thiên nhiên.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!