Mùa lũ năm nay, chúng tôi trở lại xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự – xã giáp biên giới với nước bạn Campuchia, nơi đón đầu con nước của tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu những chuyến mưu sinh của dân đầu nguồn.
Sản vật cạn dần
Cuối tháng 8, nước lũ đầy đồng, dòng phù sa đỏ ngàu trên các tuyến kênh, sông cũng là lúc người dân bắt tay vào việc làm ăn. Cứ tưởng lũ về, người dân nghèo nơi đây sẽ có được một khoản tiền kha khá mỗi ngày từ việc khai thác sản vật mà thiên nhiên ban tặng, thế nhưng mùa lũ này, họ gặp rất nhiều khó khăn trong mưu sinh vì lượng cá, cua khai thác được ngày càng ít.
Vào thời điểm này, nước ngoài đồng cao khoảng 1,2m, khá lý tưởng cho việc đặt lọp cua cặp các bờ đê. Như nhiều nông dân khác của xã Thường Thới Hậu A, năm nay, anh Phan Văn Đại ngụ tổ 37, ấp Bình Hòa Trung cũng mua lọp cua từ khá sớm để đặt tại cánh đồng xã. Chạy xuồng máy cặm cụi dỡ lọp suốt nửa ngày, trừ tiền xăng, tiền mồi cua, mỗi ngày anh kiếm được chỉ khoảng 60 ngàn đồng, nhưng cũng có ngày kiếm được chừng hơn phân nửa số tiền ấy.
Người dân thả lưới trên cánh đồng Thường Thới Hậu A
Không chỉ gặp khó khăn trong nghề đặt lọp cua, từ đầu mùa lũ đến nay, người dân sống bằng nghề câu lưới thu nhập cũng bấp bênh. 50 năm gắn bó mưu sinh với đồng nước, chưa năm nào bác Trương Văn Ngây (59 tuổi) ngụ tổ 37, ấp Bình Hòa Trung kiếm thu nhập từ nghề “ăn cá” ít như năm nay. 15 tay lưới loại 3,5 phân “bổ” kéo dài 1,5km, nhưng mỗi ngày bác Ngây chỉ kiếm được trên dưới 3kg cá linh, mè vinh, cá dảnh, trừ chi phí bác kiếm được chưa đầy 50 ngàn đồng.
Bác Ngây bộc bạch: “Mùa lũ tôi và bà con không đi làm lúa, làm mướn ngoài đồng được vì đồng ngập, nếu không đi giăng bắt cá thì làm gì để sống, mà cá bây giờ thì ít quá, tôi lo hết mùa lũ này cứ thu nhập như vậy hoài có thể không đủ kiếm lại tiền vốn mua lưới”.
Miệng đáy, ghe cào điện bao vây
Hiện tại cá về ít nhưng bà con nông dân vẫn bám đồng nước. Thế nhưng, chuyện làm ăn của dân nghèo nơi đây cũng không được yên bởi ghe cào ngày đêm cào câu lưới, lọp. Cách đây gần 2 tháng, anh Phan Văn Đại, ngụ tổ 37, ấp Bình Hòa Trung mua 200 lọp cua, trong khi số tiền cua bán ra chưa lấy lại được vốn thì anh bị mất trên 60 lọp do ghe cào điện cào trúng và kéo đi. Anh Phan Hoàng Hà ngụ tổ 33, ấp Bình Hòa Trung cũng không khỏi lo lắng khi lưới của anh giăng ngoài đồng cũng thường xuyên bị ghe cào cuốn mất.
Theo nhiều người dân có nhà đối diện cánh đồng Thường Thới Hậu A, cứ độ khoảng 5 giờ 30 phút chiều hằng ngày, ghe cào điện bắt đầu hoạt động trên cánh đồng đến suốt đêm. Mọi người rất sợ lưới bị ghe cào kéo đi nhưng không dám đuổi vì hầu hết các chủ ghe cào đều mang theo vật nhọn, mã tấu, búa để phòng tấn công nếu có ai cản chúng cào cá, bọn chúng đều là người từ địa phương khác đến.
Nếu trên cánh đồng ghe cào cuốn câu, lưới, lọp của bà con thì các miệng đáy ngoài sông Sở Thượng (đoạn thuộc 2 xã Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B) cũng đang “bít” đường làm ăn của người dân nghèo. Không đầy 6km nhưng trên đoạn sông này có đến 19 miệng đáy (tính đến ngày 28/8/2013), trong khi đó chỉ có 3 miệng đáy được UBND tỉnh cho phép khai thác, còn lại là người dân Việt Nam và dân nước bạn Campuchia tự đăng đáy khai thác.
Để thuận tiện cho việc thả lưới mưu sinh trên sông vào mùa lũ (đề phòng lưới vướn cây), vào mùa khô, nhiều người dân thuộc ấp Bình Hòa Trung hùn tiền thuê thợ lặn cắt các nọc cây dưới lòng sông tại đoạn sông gần cầu Cội Đại thuộc xã Thường Thới Hậu A, nhưng khi nước lũ về, nhiều người dân đem đáy ra đăng giữa sông mà không được cấp có thẩm quyền cấp phép.
Anh Nguyễn Văn Sâu, ngụ tổ 33, ấp Bình Hòa Trung bức xúc cho biết: “Các miệng đáy dày đặc trên sông, người dân chúng tôi không thả lưới được. Tôi mua thiếu 6 tay lưới giăng cá mè vinh, cá lăng nhưng giờ lưới vẫn còn nằm dưới sàn nhà vì ngoài sông đáy đăng đầy không thể nào mang lưới ra giăng được”.
Trao đổi với chúng tôi về việc người dân tự đăng đáy trên sông Sở Thượng, ông Dương Thọ Trường, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, Chi cục cũng nhận được đơn thư phản ánh của 42 hộ dân ngụ ấp Bình Hòa Trung về việc đăng đáy trên sông trái phép tại khúc sông gần cầu Cội Đại, vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh phối hợp với UBND huyện Hồng Ngự, UBND xã Thường Thới Hậu A, UBND xã Thường Thới Hậu B và các ngành liên quan đã có cuộc họp đi đến thống nhất sẽ dỡ dàn đáy đăng sai quy định mà người dân phản ánh.
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp đặt ngư cụ cố định không được cấp phép đang hoạt động trên địa bàn huyện Hồng Ngự, Sở NN&PTNT cũng vừa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho UBND huyện Hồng Ngự giao cho Phòng NN&PTNT huyện chủ trì phối hợp với ngành giao thông, công an huyện, UBND các xã tiến hành làm việc với chủ đáy và tháo dỡ vì đã hoạt động không phép.
Mùa nước lên, phần nhiều người dân nghèo tại xã biên giới Thường Thới Hậu A chỉ biết dựa vào nghề đánh bắt thủy sản kiếm sống, việc kiên quyết xử lý các ghe cào, các miệng đáy hoạt động sai quy định sẽ giúp người dân nơi đây cảm thấy an tâm mưu sinh trên các cánh đồng và các nhánh kênh, sông.