Những ngày vừa qua, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh Đồng Tháp liên tục giảm, thấp hơn giá thành 2.000 – 3.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi đang trong tình trạng thua lỗ.
Do ảnh hưởng xấu từ thị trường xuất khẩu nên giá cá tra giảm mạnh; cá tra nguyên liệu loại 600 – 800 g/con giá 18.000 – 19.700 đồng/kg; người nuôi lỗ 2.500 – 3.500 đồng/kg, nhiều hộ nuôi “treo ao”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng (ấp Phú Hòa A, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự) có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề cá tra, cho biết: “Những tháng gần đây giá cá tra thịt luôn ở mức thấp, chi phí đầu tư cho chăn nuôi lại cao nên nhiều nông dân thua lỗ. Hiện, gia đình tôi cũng nuôi theo hướng cầm chừng chờ giá cá tra tăng lại”. Toàn tỉnh Đồng Tháp đang có 530 hộ cá thể và doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, vùng nuôi của doanh nghiệp 1.099 ha, nuôi cá thể hơn 250 hộ chiếm 203 ha và một số hộ nuôi gia công cho các doanh nghiệp Hoàng Long, Vĩnh Hoàn, IDI…
Giá cá tra liên tục giảm, thấp hơn giá thành 2.000 – 3.000 đồng/kg – Ảnh: Ngọc Trinh
Thống kê của Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho thấy, hiện chỉ còn khoảng 25% diện tích ao nuôi thuộc hộ nhỏ lẻ, còn lại là vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Vùng nuôi cá tra được huy hoạch tại 11 huyện, thị xã và thành phố; các huyện nuôi mặt nước 330 – 380 ha gồm: Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh. Vùng chuyên sản xuất giống cá tra tập trung gồm Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành. Hằng năm, Đồng Tháp cung cấp cho thị trường 60 – 70% sản lượng giống nuôi toàn vùng ĐBSCL. Nơi đây có 1.753 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, sản lượng đạt trên 9.000 triệu con bột và 909 triệu con giống. Bên cạnh cá thương phẩm giảm giá thì giá cá tra giống cũng giảm theo, vì người nuôi giảm diện tích và tổng đàn.
Ông Trần Thanh Vinh, chủ cơ sở sản xuất cá tra giống Thanh Vinh cho biết: Giá cá tra giống giảm do thị trường xuất khẩu cá tra nhiều tháng qua liên tục giảm mạnh, nhiều hộ nuôi “treo ao” dẫn đến cá tra giống cũng giảm theo. Bên cạnh đó, cá tra giảm do tỷ lệ hao hụt cao; mùa mưa ít hộ nuôi, chủ yếu đợi đến tháng 11 – 12 “giá sẽ tăng”. Cùng đó, Đồng Tháp đang chịu ảnh hưởng chung của cá tra Việt Nam là áp lực cạnh tranh của một số sản phẩm tương đồng như cá thịt trắng; vấn đề chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu không đồng nhất cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu cá tra khó khăn sang một số thị trường truyền thống trước đây như Mỹ, EU… giá trị sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Trương Văn Điền, Giám đốc HTX Thủy sản xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết, giá cá tra vẫn ở mức thấp, người nuôi không có lợi nhuận, một số cơ sở chuyển sang nuôi loại khác, vì không có khả năng tiếp tục sản xuất. Khó khăn chủ yếu hiện nay cần giải quyết là khâu tiêu thụ sản phẩm và tỷ lệ hao hụt cao.
Theo các chuyên gia, để cá tra Đồng Tháp vượt qua khó khăn, cần thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm giữa doanh nghiệp và người nuôi, sẽ giảm được rủi ro và nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra và lợi nhuận.
>> Theo các cơ sở nuôi cá giống huyện Hồng Ngự, hiện nay giá cá tra bột giống 300 – 500 đồng/1.000 con, cá hương loại 2.000 con/kg giá 30 – 40 đồng/con, cá loại 1.000 con/kg giá 60 – 80 đồng/con… |