Đồng Tháp: Giám sát chặt các loài ngoại lai xâm hại

Chưa có đánh giá về bài viết

Mới đây (27/3) UBND tỉnh Đồng Tháp đã phát đi văn bản yêu cầu các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của loài ngoại lai.

Tôm hùm đỏ nuôi lén lút đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý tại huyện Cao Lãnh.

Tôm hùm đỏ nuôi lén lút đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý tại huyện Cao Lãnh.

Theo đó, địa phương để xảy ra việc phát tán, nuôi, trồng các loài ngoại lai xâm hại và các loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại gây ảnh hưởng, xáo trộn đến môi trường hệ sinh thái tự nhiên, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tại địa bàn đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân biết về tác hại của các loài ngoại lai xâm hại và kiểm tra các hoạt động phát tán, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trình UBND tỉnh xem xét, cấp phép theo quy định đối với các loài sinh vật lạ, mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ các sinh vật lạ xâm lấn; nghiên cứu, xem xét mức độ tác hại của các sinh vật ngoại lai mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh, có biện pháp kiểm soát, xử lý và tiêu hủy kịp thời theo quy định.

Cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền niêm yết Danh mục loài ngoại lai xâm hại theo Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cửa khẩu theo quy định; thực hiện các thủ tục hải quan, giám sát, xử lý vi phạm hành chính hoặc khởi tố đối với các vụ vận chuyển, nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại theo quy định của pháp luật v.v..

Văn bản này được ban hành sau khi cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vụ Công ty TNHH Sen Hoàng Giang lén lút nuôi tôm hùm đỏ tại xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh. Sở NN&PTNT Đồng Tháp xác định tôm hùm đỏ (hay tôm hùm đất – tên khoa học là Procambarus clarkii) là động vật một loại giáp xác nước ngọt, nguồn gốc ở nam Hoa Kỳ, có nhiều khả năng còn nguy hại hơn cả ốc bươu vàng.

Theo các tài liệu nghiên cứu, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.

Hùng Long

Báo TN-MT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!