Để ngành tôm Việt Nam có thể đối mặt và vượt qua những thách thức lớn như chất lượng con giống, môi trường, dịch bệnh… cần áp dụng những mô hình, công nghệ nuôi phù hợp.
Tư duy mới
Theo TS Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm là một trong những thuận lợi để phát triển ngành tôm, đặc biệt là các công nghệ nuôi thân thiện với môi trường như: biofloc, nuôi 2 giai đoạn, nuôi đa chu kỳ, đa ao, ương gièo, nuôi trong nhà bạt, sử dụng chế phẩm vi sinh vật… Cùng đó, để đối diện với tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh tràn lan, gần đây có rất nhiều mô hình đã được ứng dụng trong thực tiễn và khẳng định tính hiệu quả trong với từng điều kiện nuôi khác nhau.
Điển hình, mô hình nuôi quảng canh cải tiến trong diện tích ao lớn, mật độ thả thấp. Theo đó, tôm khỏe, tốc độ tăng trưởng nhanh, không tốn chi phí thức ăn nên giá thành sản xuất thấp, chỉ 2,5 USD/kg. Đồng thời, mô hình này có thể nuôi liên tục, tạo sản phẩm sạch, bền vững. Trái ngược với mô hình nuôi quảng canh cải tiến, mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh cũng khẳng định được hiệu quả khá cao trong thời gian qua. Với thiết kế có tỷ lệ ao nuôi/ao lắng là 3/7, đảm bảo luôn chủ động được nguồn nước cấp cho ao nuôi. Mô hình này thường chia thành 2 giai đoạn là gièo giống và nuôi lớn. Sử dụng tỏi để nâng cao sức đề kháng, phòng bệnh cho tôm trong suốt quá trình nuôi. Đồng thời, chủ động nguồn nước, phòng bệnh tốt cho tôm nuôi, tạo sản phẩm sạch và cho năng suất đạt khoảng 200 tấn/ha.
Nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đã khẳng định được hiệu quả – Ảnh: Thanh Cường
Công nghệ Micronano
Công nghệ tạo Micronano tạo ra bọt khí có kích thước siêu nhỏ, cỡ vài trăm nm – 40 micromet. Bọt khí cỡ micro có tốc độ di chuyển rất chậm trong môi trường nước và có áp suất bên trong cao. Nhờ vậy, có thể tạo ra hàm lượng ôxy hòa tan cao và nhanh chóng và duy trì lâu trong môi trường nước. Do hiệu suất làm giàu ôxy cao và sự hiện diện của các bọt khí nano chìm xuống nền đáy có thể giúp cho hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi thủy sản luôn ở mức cao hơn cả mức bão hòa trong điều kiện bình thường. Cùng đó, các bọt khí cỡ micro hoặc nano khi bị teo nhỏ lại rồi vỡ ra sẽ phóng thích nhiều gốc tự do, có khả năng diệt khuẩn.
Ở Việt Nam, công nghệ Micronano đã được Công ty HTC Nanotech ứng dụng và sản xuất máy Micronano Bullet. Tại VietShirmp 2016 vừa qua, gian hàng trưng bày sản phẩm của đơn vị này đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác và người nuôi tôm.
Ương vèo siêu thâm canh
Kỹ thuật này xuất phát từ các quốc gia Nam Mỹ như Mexico, Ecuador, Mỹ…; giúp giảm thiểu rủi ro chết sớm trong tháng nuôi đầu, rút ngắn thời gian vụ nuôi; tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất, có thể ương với mật độ gấp 10 lần so mô hình thông thường. Đồng thời, tận dụng tối đa đặc tính sinh học tự nhiên của tôm thẻ chân trắng là tăng trưởng bù đột biến khi giảm mật độ. Môi trường ao nuôi mới 100% sau mỗi giai đoạn ương giúp tôm tăng trưởng cực nhanh và giảm thiểu rủi ro. Giảm chi phí đáng kể nhưng vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao. Tích lũy dinh dưỡng tối ưu để phát triển và đề kháng tốt…
Tại Việt Nam, Vinhthinh Biostadt đã thực hiện mô hình ương vèo siêu thâm canh tại trang trại ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh và cho kết quả rất khả quan. Hệ thống ương siêu thâm canh được bố trí ở vị trí thuận tiện cho việc san tôm đến các ao sau khi ương. Gần các ao lắng và cấp nước (phải có ao lắng). Đặt trong nhà để đảm bảo an toàn sinh học và ổn định nhiệt độ 28 – 320C, lắp đặt đầy đủ hệ thống tạo dòng chảy, sục khí. Ương siêu thâm canh có thể ương 1 giai đoạn hoặc chia thành 2 giai đoạn. Nếu ương 1 giai đoạn, thời gian ương 25 ngày với mật độ 3 – 5 con/lít. Sau quá trình ương, tôm đạt kích thước 800 – 1.200 mg/con, tùy thuộc chất lượng giống ban đầu. Nếu chia thành 2 giai đoạn, thời gian ương giai đoạn 1 tối đa 15 ngày, mật độ 8 – 12 con/lít; giai đoạn 2 tối đa 15 ngày, mật độ 2 con/lít. Kết thúc 2 giai đoạn trên, tôm đạt kích cỡ 600 – 1.500 mg/con.
Sản xuất tôm giống công nghệ cao
Trong các mô hình sản xuất thông thường, nước sẽ qua hệ thống xử lý và khử trùng Clo, hệ thống lọc cơ học, UV để tiêu diệt vi khuẩn, nước thải của trại giống được xả ra ngoài môi trường làm ô nhiễm. Khắc phục những nhược điểm đó, TS Luca Micciché, Trung tâm Nghề cá Thế giới, đã giới thiệu quy trình ương giống công nghệ cao; trong đó, sử dụng hệ thống RAS bao gồm: lọc cơ học, lọc sinh học, máy hớt bọt và ozon hóa. Ứng dụng công nghệ này giúp tuần hoàn, tái sử dụng được 95% lượng nước, đảm bảo khép kín và an toàn sinh học, giảm dịch bệnh, có thể hoạt động với năng suất cao trong không gian hạn chế, giảm tác động tới môi trường do nước thải.
Để sản xuất giống công nghệ cao, việc lựa chọn tôm bố mẹ được đặt lên hàng đầu. Chọn những dòng tôm có tốc độ tăng trưởng và khả năng kháng bệnh tốt, đảm bảo không mang mầm bệnh. Cùng đó, trong quá trình ương, cần kiểm tra tất cả các yếu tố ban đầu trong giai đoạn trưởng thành và giai đoạn đầu của của ấu trùng để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh. Cải thiện trị liệu sinh học vi khuẩn có thể giúp kiểm soát mức độ Vibrios trong suốt quá trình này. Kiểm soát nghiêm ngặt chuyển động của con người, trang thiết bị, vật tư.
Thức ăn được sử dụng để ương tôm theo quy trình công nghệ cao là nguồn luân trùng phong phú. Đây là nguồn thức ăn được chứng minh là hiệu quả trong nhiều nghiên cứu, chúng có thể khắc phục được những thiếu sót về mặt dinh dưỡng của các loài vi tảo cũng như một số loại men. So với Nauplius artemia thì luân trùng có giá thành thấp và chất lượng ổn định hơn khi sử dụng Nauplius artemia.
Tùy từng giai đoạn phát triển của tôm nuôi, có thể lựa chọn những loại luân trùng khác nhau làm thức ăn. Ở giai đoạn Mysis 1 và 2, sử dụng kết hợp Tetraselmis và Nannochloropsis, có bổ sung thêm DHA; giai đoạn Mysis 3 đến PL5 cần luân trùng được bổ sung dầu gan cá tuyết và với nhũ tương dầu cá trích.
Kỹ thuật nuôi tôm – lúa và cải tiến
Với phương thức này, nên định kỳ sên vét lại kênh, mương, gia cố bờ bao nhằm đảm bảo mực nước ổn định, hạn chế độ mặn tăng do bốc hơi và hạn chế sự thẩm lậu nước, xâm nhập mặn. Trên bờ bao nên trồng cây để hạn chế gió, giảm bốc hơi góp phần hạn chế tăng độ mặn cho đồng ruộng. Cùng đó, mở rộng mương bao và thiết kế thêm mương “xương cá” để thuận lợi trong việc rửa phèn mặn; thiết kế khu chứa/lắng nước riêng để chủ động nguồn nước cấp và điều tiết độ mặn hợp lý.
Đối với vụ nuôi tôm vào mùa khô: Số lần thả giống nên chia thành 2 – 3 lần/vụ, mật độ tổng cộng tối đa là 5 con/m2. Kích cỡ tôm giống: Nên chọn tôm giống có kích cỡ phù hợp, ở những lần thả đầu PL nhỏ, lần sau PL lớn. Mục đích để tôm kịp lớn, kịp thu hoạch, rửa mặn tốt hơn để chuẩn bị cho vụ trồng lúa vào mùa mưa. Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi độ mặn ở ruộng và ở kênh/mương cấp để chủ động cấp, thoát điều tiết độ mặn phù hợp.
>> Theo TS Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Icafish, hàng năm Việt Nam có 15 – 20% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Do, vẫn chưa có giải pháp an toàn sinh học triệt để để ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro và tiến tới loại bỏ dịch bệnh. Vì vậy, cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn nữa các mô hình, công nghệ nuôi bền vững phù hợp để ổn định và tăng trưởng sản lượng phù hợp với môi trường ngày càng khắc nghiệt. |