Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer ở ĐBSCL năm nay được nâng lên tầm quốc gia với “Festival Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer ĐBSCL – Sóc Trăng lần thứ nhất”.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Thành Nghiệp, cho biết, Festival Đua ghe ngo nâng tính chuyên nghiệp, quy mô như một sự kiện văn hoá du lịch tại Sóc Trăng đã là nhu cầu cấp thiết để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, vốn quý văn hoá độc đáo khu vực. Đồng thời cũng tổng kết một giai đoạn hoạt động và trưởng thành của sự nghiệp bảo tồn văn hoá của đồng bào Khmer tại ĐBSCL nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Đua ghe ngo nam – Ảnh: Duy Khương
Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa có công chúa Neng Chanh (Nàng Chanh) tài sắc vẹn toàn được nhà vua rất yêu thương. Do lòng ghen ghét ti tiện nên một quan đại thần đã vu khống cho nàng tội bỏ chất cáu bẩn ở móng tay vào nồi canh của vua. Không thể minh oan, Neng Chanh xuống thuyền xuôi theo sông Ba Sắc chạy trốn. Nhà vua cho quân lính đuổi theo. Biết không thể thoát thân, Neng Chanh ném chiếc ống nhổ (người Khmer gọi là Kon thô) là kỷ vật được vua ban tặng xuống vàm sông và nơi đó sau này người Khmer gọi là Peam Kon thô (vàm Ống Nhổ), hoặc là vàm Dù Tho. Để tưởng nhớ Neng Chanh tài hoa bạc mệnh, hàng năm cư dân Khmer quanh vùng tổ chức đua ghe ngo để diễn lại cảnh Neng Chanh chạy trốn đến vùng đất Ba Sắc, tỉnh Sóc Trăng ngày nay.
Nguyên thủy, ghe ngo là chiếc thuyền độc mộc, làm từ cây gỗ sao, dài từ 25 đến 40 mét, rộng từ 1 đến 1,4 mét, vật thiêng chỉ dùng để đua. Mỗi ghe có từ 20 đến 40 khoang, chứa từ 22 đến 25 cặp tay bơi. Hàng năm, trước khi đua, chiếc ghe được làm lễ hạ thủy và tổ chức tập luyện. Thông thường, mỗi phum sóc có một chiếc ghe với một đội đua. Cuộc đua nâng lên cấp huyện, tỉnh tùy theo khả năng tổ chức của mỗi nơi. Lâu dần, đua ghe ngo trở thành một môn thể thao độc đáo của người Khmer, vừa rèn luyện sức khoẻ vừa giao lưu văn hoá với các dân tộc khác trong vùng.
Năm nay, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đã có 58 đội đăng ký tham gia (8 đội nữ). Kinh phí tổ chức Đua ghe ngo từ 2,4 đến 2,6 tỷ đồng. Trong đó, giải thưởng cho các đội từ hạng Nhất đến hạng Bốn (cả nam và nữ) là 200 – 150 – 100 – 50 triệu đồng, tổng cộng giải thưởng 1 tỷ đồng.
Đua ghe ngo chính thức diễn ra từ ngày 14 đến 17/11/2013 tại TP Sóc Trăng, vào dịp lễ hội truyền thống Oóc om bóc của người Khmer Nam bộ. Nên còn có các hoạt động: Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ, Lễ Cúng trăng – Oóc Om bok, liên hoan ẩm thực Kinh-Khmer-Hoa, hội chợ thương mại và triển lãm.